- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Ngày 20/02/2017 Viện trưởng VKSND tối cao ký Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ban hành Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa của Tòa án (Quy tắc 46), quy định những việc Kiểm sát viên phải làm, việc không được làm, cách xưng hô và thái độ ứng xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Đối chiếu quy tắc 46, trên cơ sở thực tiễn, chúng tôi thấy rằng Kiểm sát viên nên ứng xử tại phiên tòa như sau:
Trước phiên tòa Kiểm sát viên không được uống rượu bia từ trước thời điểm khai mạc phiên tòa 12 giờ và trong suốt thời gian làm nhiệm vụ tại phiên tòa. Sử dụng trang phục ngành, râu tóc (nam giới), trang điểm (nữ giới) lịch sự, tôn trọng người đối diện, người tham dự phiên tòa; không sử dụng “mùi lạ”, giày quá cao, trang điểm quá mức nhất là trong các phiên tòa đông người, thời tiết nóng, người tham gia phiên tòa phần nhiều là người lao động.
Tại phiên tòa Kiểm sát viên phải Đứng thẳng ở vị trí dành cho đại diện Viện kiểm sát khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án; Đứng khi nêu ý kiến, khi luận tội, tranh luận đối đáp. Ngồi ngay ngắn khi Chủ tọa mời các thành viên Hội đồng xét xử ngồi và trong suốt thời gian phiên tòa. Nói không quá to hoặc quá nhỏ, từ-ngữ mang tính pháp lý tránh tự nhiên, vùng miền. Đọc phải rõ ràng, ngắt câu; có điểm nhấn tại phần trọng tâm, trọng điểm, thời điểm thích hợp phải nhìn về phía đối tượng cần truyền đạt thông tin;
Không sử dụng điện thoại khi tham gia phiên tòa, phiên họp, tắt điện thoại hoặc để chế độ im lặng, cần thiết phải điện thoại thì có ý kiến với Hội đồng xét xử và đi ra ngoài phòng.
Quan sát khi công bố cáo trạng: Kiểm sát viên đứng, hai tay cầm bản cáo trạng đồng thời quan sát toàn phòng xử án, nhìn bị cáo và nơi những người dự phiên tòa; hướng về phía Hội đồng xét xử;
Tôn trọng, lịch sự, kiên quyết khi tranh luận, đối đáp, không dùng cử chỉ, lời nói có tính phản cảm, ám chỉ hoặc miệt thị; nghiêm túc trả lời từng câu hỏi; không bị kích động khi người đối thoại có thái độ, lời nói xúc phạm cá nhân; cần bình tĩnh, kìm chế, sử dụng lý lẽ làm rõ vấn đề để Hội đồng xét xử quyết định.
Đối với bị cáo nghiêm túc, khách quan, tránh gây căng thẳng quá mức;
Đối với người bào chữa Nếu người bào chữa là luật sư thì xưng hô là “luật sư” hoặc luật sư cộng với họ tên hoặc tên của luật sư đó. Nếu người bào chữa không phải là luật sư thì xưng hô là “ông, bà, anh, chị” hoặc ông, bà, anh, chị cộng với họ tên hoặc tên của người đó. Bình tĩnh, dùng lý lẽ phân tích từng vấn đề, có thể nhắc nhở người bào chữa và lưu ý Chủ tọa phiên tòa xử lý đối với thái độ ứng xử của người bào chữa khi họ có thái độ gay gắt, coi thường, thậm chí xúc phạm Kiểm sát viên, “không tranh cãi tay tôi” ;
Đối với bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp căn cứ vào độ tuổi để xưng hô với người bị hại cho phù hợp là ông, bà, anh, chị, cháu hoặc ông, bà, anh, chị, cháu cộng với họ tên hoặc tên của người đó. Thái độ khách quan, không được vô cảm, không thiên vị đối với các yêu cầu của họ. Phải bình tĩnh khi họ quá khích, bất bình do bản thân, gia đình bị xâm hại, kiên trì giải thích cho họ hiểu rõ các vấn đề, không tranh cãi căng thẳng;
Đối với người làm chứng, người chứng kiến, người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản trong vụ án thái độ cầu thị sự hợp tác của những người này, tạo sự tự tin, tránh sự dồn ép, gây áp lực khiến họ không trình bày hoặc trình bày không đầy đủ, không chính xác về các vấn đề.
Đối với Điều tra viên, cán bộ điều tra, Kiểm sát viên những người này có mặt tại phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án, có nghĩa vụ trình bày, cung cấp tài liệu, lời khai trước tòa (BLTTHS 2003 không quy định); Kiểm sát viên phải có thái độ đúng mực, xưng hô ông (bà) kèm theo họ tên của họ, khách quan, không được biểu hiện thái quá đồng chí, đồng nghiệp;
Đối với người dân thái độ tôn trọng, thân thiện, khiêm tốn; cử chỉ, lời nói phù hợp, tranh thủ sự đồng tình của người dân. Bình tĩnh khi người dân có thái độ quá khích, không tranh cãi gay gắt với họ. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết thì xin ghi nhận ý kiến của bà con và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Đối với báo chí, truyền thông gọi “nhà báo”, “phóng viên” hoặc “nhà báo”, “phóng viên” cộng với họ tên của họ. Kiểm sát viên tiếp xúc, phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí theo Luật báo chí, quy định của ngành. Khi từ chối cung cấp thông tin cho báo chí thì nêu rõ lý do.
Đối với Hội đồng xét xử, Người tiến hành tố tụngTôn trọng, tuân thủ sự điều hành của Chủ tọa, thực hiện nội quy phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật. Khi phát biểu về việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và Thẩm phán, cần tập trung vào nội dung quan trọng, có tính quyết định đến việc giải quyết vụ án. Khi phát hiện việc tiến hành các thủ tục tố tụng tại phiên tòa chưa đầy đủ hoặc vi phạm rõ ràng, Kiểm sát viên có ý kiến công khai với Hội đồng xét xử, đề nghị thực hiện quy định;
Như vậy, nếu Ứng xử đảm bảo văn hóa pháp đình thì đây là một trong những điều kiện để đảm bảo chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên;
Nguyễn Quang Trung P7- VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.