Một số yêu cầu đối với Kiểm sát viên khi tham gia đối đáp, tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm án hình sự

Thứ ba - 29/05/2018 04:36

Theo pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, xét xử sơ thẩm được xác định như là một giai đoạn kết thúc của quá trình giải quyết một vụ án hình sự. Tại phiên tòa quyền và nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được thực hiện một cách công khai, đầy đủ nhất, đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải tập trung trí tuệ, xử lý các tình huống  một cách nhanh chóng, chính xác, công khai và có tính thuyết phục. Thông qua phiên tòa có thể đánh giá được trình độ của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Luật sư và những người tham gia tố tụng khác, cũng thông qua phiên tòa Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư nâng cao được trình độ nghiệp vụ, năng lực công tác và kỹ năng nghề nghiệp.

Trong phiên tòa sơ thẩm, thủ tục tranh tụng là phần thủ tục mà chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát được thể hiện đầy đủ, rõ nét nhất. Vì vậy, đòi hỏi Kiểm sát viên phải thể hiện tốt vai trò của mình, thông qua đó để những người tham gia tố tụng, những người tham dự phiên tòa hiểu biết thêm về pháp luật, củng cố lòng tin vào Viện kiểm sát nhân dân nói riêng và các cơ quan pháp luật nói chung. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đưa ra quan điểm về môt số yêu cầu đối với Kiểm sát viên khi tham gia đối đáp tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm án hình sự, nhằm trao đổi những kinh nghiệm của bản thân qua công tác thực tiễn, những kinh nghiệm được tích lũy qua công tác học tập.

Theo từ điển tiếng Việt thì đối đáp là trả lời lại, còn tranh luận là bàn cãi để tìm ra lẽ phải. Vì vậy, có thể hiểu đối đáp tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm về hình sự là sự trả lời lại, sự bàn cãi giữa Kiểm sát viên với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác nhằm làm rõ sự thật khách quan về mọi tình tiết, chứng cứ buộc tội, gỡ tội, tăng nặng, giảm nhẹ và các tình tiết khác liên quan đến vụ án, giúp cho Hội đồng xét xử ra một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Việc đối đáp tranh luận, trước hết đòi hỏi Kiểm sát viên phải tôn trọng sự thật khách quan, qua điều tra xét hỏi công khai tại phiên tòa, có thể có những chứng cứ khác với những tình tiết, chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra hoặc những tình tiết, chứng cứ mới mà hồ sơ điều tra chưa có. Những tình tiết, chứng cứ này có căn cứ hơn và phù hợp với diễn biến khách quan của vụ án thì Kiểm sát viên phải chấp nhận những tình tiết, chứng cứ này.

Tại phiên tòa, qua ý kiến tranh luận của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác, có thể có những ý kiến trái ngược với ý kiến của Kiểm sát viên nêu trong luận tội, nhưng những ý kiến này lại có căn cứ pháp lý và phù hợp với diễn biến khách quan của vụ án thì Kiểm sát viên phải lắng nghe, không được bảo thủ, thực sự cầu thị, tiếp thu những ý kiến đó.

Khi tranh luận, đối đáp, một yêu cầu đặt ra đối với với Kiểm sát viên là phải bình tĩnh, tôn trọng quyền bào chữa của bị cáo, Luật sư và những người tham gia tố tụng khác, thực hiện sự dân chủ, bình đẳng trong đối đáp, tranh luận, tôn trọng ý kiến của người tham gia tố tụng, không gây ức chế, căng thẳng tại phiên tòa.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa vừa là người thay mặt Nhà nước giữ quyền công tố (buộc tội), vừa là người thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Trong khi đó bị cáo (là người bị buộc tội), người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tham gia tố tụng chỉ với tư cách là những người tham gia tố tụng và chịu sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, chịu sự giám sát của Kiểm sát viên về việc chấp hành pháp luật tại phiên tòa. Từ địa vị pháp lý này, dễ dẫn đến tư tưởng, thái độ của Kiểm sát viên không tôn trọng bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Biểu hiện cụ thể là khi bị cáo chối tội hoặc bị người bào chữa đưa ra ý kiến lập luận mang tính “bắt bẻ”, trái chiều… thì Kiểm sát viên tỏ ra mất bình tĩnh, cáu gắt, quát nạt v.v. Yêu cầu đặt ra, trong mọi trường hợp, Kiểm sát viên không được có những hành động, cử chỉ mang tính coi thường, xúc phạm bị cáo, người bào chữa. Ngôn từ sử dụng khi đối đáp, tranh luận thể hiện rõ tính văn minh, lịch sự, tránh dụng ngôn ngữ mang tính miệt thị, đả kích; thái độ cần từ tốn, đúng mực, không quát nạt, cáu gắt, “cay cú”.

Khi đối đáp, tranh luận, cần phải đảm bảo yếu tố có căn cứ, thuyết phục và hợp lý. Yêu cầu này đòi hỏi Kiểm sát viên khi đối đáp tranh luận phải viện dẫn ra được những tài liệu, chứng cứ cụ thể đã được kiểm tra tại phiên tòa và những căn cứ pháp luật cụ thể (điều luật nào, văn bản pháp luật nào..). Việc viện dẫn các tài liệu chứng cứ và các căn cứ pháp luật phải ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung trọng tâm cần đối đáp tranh luận, tránh viện dẫn tài liệu, chứng cứ và căn cứ pháp luật dài dòng tràn lan. Khi lời đối đáp tranh luận đảm bảo được tính có căn cứ và hợp lý thì chính là đã đảm bảo được tính thuyết phục đối với Hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa.

Đối đáp, tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa thể hiện tính công khai, dân chủ trong các phiên tòa xét xử hình sự. Việc đối đáp, tranh luận giữa Kiểm sát viên với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác sẽ làm cho phiên tòa trở nên sống động hơn, khách quan hơn, xóa bỏ những suy nghĩ mặc cảm trước đây vẫn tồn tại trong xã hội đối với các cơ quan tiến hành tố tụng là xét xử theo kiểu “án bỏ túi”. Đối đáp, tranh luận tốt sẽ nâng vị thế của Kiểm sát viên tại phiên tòa và góp phần nâng cao uy tín của Viện kiểm sát nhân dân. Đối đáp, tranh luận tại phiên tòa cũng góp phần thể hiện bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân./.

                                                                           Nguyễn Thị Hương
VKSND huyện Nam Sách

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây