Vướng mắc trong kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự có yếu tố nước nài

Thứ tư - 30/05/2018 03:15

Trong xu thế hội nhập quốc tế, các giao dịch dân sự cũng như các tranh chấp, yêu cầu giải quyết các vụ, việc dân sự có yếu tố nước ngoài có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhìn chung việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài có nhiều phức tạp do phải thu thập chứng cứ ở nước ngoài, do phải làm thủ tục uỷ thác tư pháp giao, tống đạt các văn bản tố tụng… theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Chính vì vậy Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã hạn chế việc giao cho Toà án nhân dân cấp huyện thụ lý giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, theo đó phần lớn các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp tỉnh, chỉ giao cho Toà án nhân dân một số huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam giải quyết một số vụ việc trong phạm vi hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam (Khoản 3 và 4, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015). Cùng với việc quy định thẩm quyền của Toà án nhân dân các cấp, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã giành 01 Chương (chương 8), gồm 18 điều, từ điều 464 đến điều 481 quy định về thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Về cơ bản quy định trong các điều luật này đã khá đầy đủ và khá phù hợp, là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh chóng, đúng đắn các vụ, việc, tạo thuận lợi cho các bên đương sự. Tuy nhiên qua thực tế kiểm sát việc giải quyết nhiều vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thấy việc quy định thời hạn giải quyết ở Khoản 2 Điều 476 còn bất hợp lý gây kéo dài thời hạn giải quyết của Toà án, gây khó khăn cho các đương sự do phải chờ đợi và gây khó khăn trong việc lựa chọn thực hiện hay không thực hiện quyền kiến nghị của Viện kiểm sát.

          Tại Khoản 2 Điều 476 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Thời hạn mở phiên tòa, phiên họp hòa giải được xác định như sau:

a) Phiên họp hòa giải phải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án….;

b) Phiên tòa phải được mở sớm nhất là 09 tháng và chậm nhất là 12 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án…”.

          Việc quy định như trên đồng nghĩa với việc mọi trường hợp Toà án mở Phiên họp hòa giải trước 6 tháng, mở Phiên tòa trước 9 tháng kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án đều là vi phạm, mà đã vi phạm thì theo trách nhiệm Viện kiểm sát phải kiến nghị yêu cầu khắc phục, song nếu kiến nghị lại không có tính thuyết phục vì việc Toà án giải quyết sớm hơn thời hạn tối thiểu quy định không phải là yếu tố làm ảnh hưởng đến tính chính xác, tính khách quan của Quyết định hoặc Bản án; mặt khác việc giải quyết sớm này còn góp phần khắc phục việc giải quyết kéo dài để tồn đọng các vụ việc chưa được giải quyết, đồng thời đáp ứng mong mỏi chính đáng của các đương sự. Từ sự bất cập này nên trên thực tế mặc dù Toà án giải quyết nhiều vụ việc dân sự sớm hơn thời hạn tối thiểu do luật định nhưng Viện kiểm sát “không dám” thực hiện quyền kiến nghị vi phạm được pháp luật cho phép.

Trên quan điểm xây dựng Nhà nước của dân, vì dân, phục vụ nhân dân; đồng thời đảm bảo nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tôi thiết nghĩ cần kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, trước mắt cần sớm thống nhất hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc bất cập này.

Xin trao đổi để các đồng nghiệp cùng tiếp tục nghiên cứu trao đổi lại. Xin cảm ơn!

                                                                                                                 Phạm Thị Quyên
Phòng 9 VKSND tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây