Bất cập khi áp dụng điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015

Thứ hai - 09/12/2024 21:51
Qua thực tế giải quyết các vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự trong thời gian qua cho thấy còn có một số bất cập trong việc áp dụng pháp luật, gây khó khăn trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự như sau:
Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
....
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
...đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
…b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên…”.
Khi đối chiếu các quy định ở khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 260 BLHS thì thấy còn có bất cập đó là: Theo quy của điều luật thì trường hợp “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 2 Điều này và “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 3 Điều này. Tuy nhiên trường hợp nếu “Hậu quả làm chết 01 người và thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác từ 61% đến 121%” thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a,b hoặc a,c khoản 1 Điều 260; hoặc nếu “ Hậu quả làm chết 02 người và gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho nhiều người khác tỷ lệ từ 122% đến 200%” cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm đ,e khoản 2 Điều 260 BLHS. Như vậy trong thực tế khi áp dụng Điều luật này có có bất cập trong việc đánh giá hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nhiều hơn thì được áp dụng khoản có khung hình phạt nhẹ hơn để xử lý dẫn đến đến còn có sự không hợp lý quá trình giải quyết các vụ án hình sự và quyết định hình phạt còn không công bằng cho các bị cáo.
Ví dụ 1: Khoảng 08 giờ 25 phút, ngày 16/02/2022, tại Km 81 + 800 Quốc lộ 37 thuộc địa phận: KDC L, phường T, thành phố C, tỉnh H. Nguyễn Văn T (có giấy phép lái xe theo quy định) điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS: 15 H-055.79 kéo theo sơ mi rơ móoc BKS: 15 R-184.18 theo hướng NS – SĐ, khi đến đoạn có biển cảnh báo nguy hiểm “ Chỗ ngoặt nguy hiểm vòng bên trái”, do không làm chủ được tốc độ đã va chạm phần đầu xe ô tô với phần sườn xe bên trái xe mô tô BKS 34C1-114.01 do Trần Đình Đ điều khiển đi hướng SĐ - NS, trên xe chở anh Phạm Văn H đi phía trước cùng chiều. Hậu quả, anh H chết tại hiện trường, anh Đ bị thương tích 97% sức khoẻ.
Trong trường hợp này T bị khởi tố truy tố xét xử về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại điểm a,b khoản 1 Điều 260 BLHS có khung hình phạt.... từ 1 năm đến 5 năm tù. Tại Bản án hình sự sơ thẩm của TAND thành phố C đã xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 2 năm 6 tháng tù về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Ví dụ 2: Khoảng 7 giờ ngày 14/7/2022, tại đoạn trục đường tránh Quốc lộ 18 thuộc địa phận KDC S, phường M, thành phố C, tỉnh H, Thân Đức C (có giấy phép lái xe ô tô theo quy định) điều khiển xe ô tô BKS: 98LD – 00952 theo hướng đi từ phường TH đi Quốc lộ 18 đi đến đoạn đường trên do không chú ý quan sát, không giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước nên đã va chạm phần đầu xe ô tô với phần đuôi xe mô tô BKS: 29H6 – 7739 do chị Nguyễn Thị H điều khiển, trên xe chở cháu Vũ Minh A đi phía trước cùng chiều. Hậu quả chị H bị thương tích 61% sức khỏe và cháu A bị thương tích 62% sức khỏe.
Trong trường hợp này C bị khởi tố truy tố xét xử về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS có khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù. Tại Bản án hình sự sơ thẩm của TAND thành phố C đã xử phạt bị cáo Thân Đức C 3 năm tù về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, so sánh hai trường hợp trên có thể thấy, ví dụ 1 bị cáo T gây hậu quả nghiêm trọng hơn (làm chết 01 người, 01 người bị thương tích 98%) lại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt Khoản 1 Điều 260b BLHS, nhẹ hơn so với C gây hậu quả ít nghiêm trọng hơn (01 người bị thương tích 61%, 01 người thương tích 62%) chịu khung hình phạt nặng hơn khoản 2 Điều 260 BLHS. Điều này là bất hợp lý trong cùng một điều luật.
 Tương tự với trường hợp 02 người chết, 01 người bị thương thì sẽ bị xử lý theo điểm đ khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015; trường hợp 03 người bị thương (tổng tỉ lệ thương tích là 201% trở lên) sẽ xử lý theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 260 BLHS năm 2015. Như vậy trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả 3 người bị thương lại bị xử nặng hơn trường hợp hậu quả dẫn đến 02 người chết và 01 người bị thương, đây là sự vô lý trong quy định của pháp luật. Do đó, quy định này cũng cần được kịp thời xem xét sửa đổi cho phù hợp.
Trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết một số vụ án cụ thể nói trên, để bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, tác giả đề xuất sửa đổi khoản 2, khoản 3 Điều 260 BLHS năm 2015 theo hướng quy định thêm tình tiết định khung của điều luật đối với trường hợp hậu quả làm chết người và bị thương tích, để các cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông mà có 01 bị hại hoặc 02 bị hại chết và bị hại khác bị thương đảm bảo sự công bằng trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Trong khi Bộ luật hình sự chưa được sửa đổi, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trung ương cần sớm hướng dẫn xử lý trong các trường hợp trên, đảm bảo sự phù hợp, công bằng, thống nhất trong áp dụng pháp luật.
                                              Vũ Thị Lệ
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây