Vướng mắc khi áp dụng hướng dẫn định tội danh tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Thứ hai - 09/12/2024 21:49
Công tác phòng, chống tội phạm về ma tuý luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các tổ chức đảng và chính quyền nhân dân các cấp, các ban ngành đoàn thể. Cùng với việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn ma tuý nói chung và tội phạm ma tuý nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy vậy, trong quá trình áp dụng pháp luật giải quyết các vụ án về ma tuý, nhận thấy còn những bất cập nhất định trong các quy định của pháp luật cũng như văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có việc thực hiện hướng dẫn theo Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao trong việc định tội danh tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Ví dụ: Khoảng 08 giờ ngày 01 tháng 10 năm 2023, Nguyễn Văn B đến nhà Mạc Đức T, ở Phường TM, thành phố HD chơi, khi gặp T, B hỏi xin 01 gói ma tuý đá để sử dụng. T đồng ý đưa cho B 01 gói ma tuý đá (trọng lượng 0,07 gam), sau đó B mang về nhà cất giấu. Đến 15 giờ cùng ngày, Nguyễn Văn H đến nhà B chơi hỏi mua ma tuý để sử dụng, B bán gói ma tuý đá vừa xin được của T lúc sáng cho H với số tiền 500.000 đồng.
Trong vụ án nêu trên, hành vi bán trái phép chất ma tuý của Nguyễn Văn B đã đủ yếu tố cấu thành tội Mua bán trái phép chất ma tuý, theo quy định tại khoản 1 Điều 251 BLHS.
Xét đến hành vi của Mạc Đức T. Do khối lượng ma tuý mà Mạc Đức T cất giấu trái phép không đủ yếu tố định lượng quy định của tội Tàng trữ trái phép chất ma tuý. Khi cho B ma tuý, T cũng không biết mục đích B bán cho người khác nên hành vi của T không đồng phạm với B về tội Mua bán trái phép chất ma tuý.
Tuy nhiên, có quan điểm vận dụng Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao xác định hành vi nêu trên của Mạc Đức T cho B ma túy để sử dụng đã cấu thành tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý theo quy định tại khoản 1 Điều 255 Bộ luật hình sự. Quan điểm này xác định hành vi đưa ma tuý cho B của Mạc Đức T đã đủ yếu tố cấu thành tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
Tại điểm 1 mục I Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Toà án nhân dân tối cao về việc giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử có nội dung hướng dẫn:
“Đối tượng có hành vi đưa ma túy cho người khác sử dụng, nhưng không phát hiện có người chỉ huy, phân công, điều hành đối tượng để đưa ma túy cho người khác sử dụng. Vậy trường hợp này có xử lý đối tượng là người trực tiếp đã cung cấp ma túy cho người khác về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” hay không?
 Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không đồng nhất với khái niệm “phạm tội có tổ chức”. Theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Hình sự thì “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.” Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Còn tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy. Trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng có đồng phạm nhưng đồng phạm ở đây được hiểu là thực hiện theo sự chỉ huy, phân công điều hành (không có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, không bắt buộc phải có sự phân công, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ trong các đồng phạm). Do đó, hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Người có hành vi này bị xử lý theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự”.
Theo quan điểm của chúng tôi, hướng dẫn nêu trên chưa phản ánh đúng tinh thần lập pháp và cấu thành tội phạm của tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Khác với hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc hành vi mua bán trái phép chất ma tuý, hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý phải mang tính “tổ chức” để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma tuý. Điều đó có nghĩa là cần có sự chỉ huy, phân công, điều hành trong việc sử dụng trái phép chất ma tuý. Tức là có sự đồng phạm giữa chủ thể của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý với cá nhân khác. Trong ví dụ nêu trên, Mạc Đức T đang ở nhà thì B chủ động đến xin ma tuý, T không có hành vi phân công, điều hành, chuẩn bị địa điểm, công cụ phương tiện, T chỉ có hành vi cho B chất ma tuý. Ở đây, hành vi của T không thể coi là hành vi khách quan của cấu thành tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời không thoả mãn dấu hiệu lỗi cố ý trực tiếp của tội phạm.
Cho đến thời điểm hiện nay, chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn các tội phạm cụ thể về ma tuý tại Chương XX Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên cần vận dụng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 để xác định hành vi khách quan của tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
Tại tiết 6.1 mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT quy định hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý phải là một trong chuỗi các hành vi gồm: 
- Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
- Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.
Việc hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 là phù hợp thực tiễn, phản ánh đúng hành vi khách quan của tội phạm, thể hiện rõ tính chất của hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Việc hướng dẫn của Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Toà án nhân dân tối cao nêu trên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc định tội danh, dẫn đến việc áp dụng có nhiều vướng mắc bất cập.
Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các tội phạm về ma tuý kế thừa những quy định hợp lý của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007; sửa đổi những quy định bất hợp lý tại Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Toà án nhân dân tối cao để tạo ra sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
                                           Nguyễn Quang Hưng
VKSND huyện Thanh Hà
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây