Có áp dụng tình tiết giảm nhẹ: “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” ?

Thứ ba - 01/12/2020 03:52

Trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với người phạm tội quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự (BLHS) là một trong những căn cứ mà Tòa án phải xem xét khi quyết định hình phạt để đảm bảo quyền lợi hợp pháp đối với bị cáo. Tuy nhiên, có tình tiết còn nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, trong đó tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS, xin được nêu ra ví dụ cụ thể như sau để các đồng chí cùng tham khảo:

Hồi 18 giờ ngày 01/10/2020, Nguyễn Văn A (đủ năng lực trách nhiệm hình sự, chưa bị xử phạt hành chính, chưa bị kết án về hành vi chiếm đoạt tài sản), phá cửa đột nhập vào nhà ở của B ở thôn X, xã Y, huyện TH. Sau khi vào nhà, A thấy có 01 Tivi Sony (trị giá 5.000.000 đồng) của B treo trên tường nên rút dây điện, dùng tô-vít mang theo tháo ốc gắn giữa tivi và giá treo xuống, mục đích chiếm đoạt chiếc Tivi trên. Khi A chưa kịp tháo hết ốc để lấy Tivi thì B về phát hiện tri hô, cùng người dân bắt quả tang, ngăn chặn việc trộm cắp của A. 

A sau đó bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội Trộm cắp tài sản (chưa đạt) quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01 ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao.

Quá trình xét xử, đối với việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS có 02 quan điểm như sau: 

Quan điểm thứ nhất: A được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS.

 Tại Công văn số 994/VKSTC-V3 ngày 09/4/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn về tình tiết “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” có nêu:

Khái niệm “Chưa gây thiệt hại” và “Gây thiệt hại không lớn” đều nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội. “Chưa gây thiệt hại” là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa chuyển dịch tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Nếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp “Chưa gây thiệt hại”.

Trong trường hợp này, A trộm cắp nhưng chưa lấy được tài sản, chưa dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản.

Quan điểm thứ hai: A không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS.

Tại điểm 6.2.1.7  Sổ tay Thẩm phán TANDTC năm 2009 hướng dẫn “Chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Cần phân biệt với phạm tội chưa đạt (phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội).”

Trong trường hợp này, A phạm tội chưa đạt nên không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại”.

Như vậy, giữa hai hướng dẫn nêu trên có sự khác nhau, trong quá trình vận dụng còn chưa thống nhất. Theo hướng dẫn tại Văn bản số 994 của VKSNDTC có thể hiểu chỉ tội phạm ở giai đoạn phạm tội chưa đạt thì mới xem xét tình tiết giảm nhẹ “chưa gây thiệt hại” cho người phạm tội, còn khi tội phạm đã hoàn thành thì không thể áp dụng. Theo hướng dẫn tại Sổ tay Thẩm phán của TANDTC thì chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội và khi áp dụng tình tiết này, cần phân biệt với phạm tội chưa đạt, có nghĩa là đã xác định là thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt thì không được coi là chưa gây thiệt hại.

Cá nhân người viết bài đồng ý với quan điểm thứ nhất theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao vì đã cụ thể hóa các trường hợp thiệt hại gây ra do tội phạm.

Kiến nghị !

Qua thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, chúng tôi cho rằng cần có hướng dẫn thống nhất việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu trên. Theo đó, Tòa án nhân tối cao (Hội đồng thẩm phán), ban hành Nghị quyết hướng dẫn và quy định rõ các trường hợp được áp dụng, trường hợp không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS.

Trên đây là quan điểm riêng của chúng tôi, rất mong sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ các đồng chí.

                                                                                                            

Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Tiến Thành

Viện KSND huyện Thanh Hà


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây