- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, có nhiều điểm mới, tiến bộ so với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2003, tạo thuận lợi hơn cho cơ quan, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật trong giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với Quyết định chuyển vụ án còn chưa logic, khoa học, nhất là với vụ án còn có quan điểm khác nhau về thẩm quyền giải quyết vụ án như trường hợp vụ án cụ thể sau:
Trên cơ sở thỏa thuận, Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hải Dương (BIDV Hải Dương) và bên vay là bà Lê Thị Tám đã ký kết 03 hợp đồng tín dụng, cụ thể như sau:
1. Hợp đồng tín dụng số 05/2013/HĐTD-4826478 ngày 19/12/2013 với số tiền vay: 1.500.000.000đ;
2. Hợp đồng tín dụng số 06/2013/HĐTD-4826478 ngày 19/12/2013 với số tiền vay: 1.500.000.000đ;
3. Hợp đồng tín dụng số 01/2014/HĐTD-4826478 ngày 24/01/2014 với stiền vay: 2.000.000.000đ;
Tài sản đảm bảo cho khoản vay:
1. Hợp đồng thế chấp tài sản số 01/2012/HĐTC-CTYAA ngày 18/6/2012. Tài sản thế chấp là một số xe, máy công trình.
2. Hợp đồng thế chấp tài sản số 01/2012/HĐTC-CTYAA ngày 18/6/2012. Tài sản thế chấp là: Quyền sử dụng thửa đất số 103, tờ bản đồ số 05, diện tích 463m2; thửa đất số 104, tờ bản đồ số 05, diện tích 85m2, tài sản gắn liền với đất: nhà ở cấp 4, 1 tầng, diện tích xây dựng 60m2, địa chỉ: Thôn Trung Nghĩa, xã Cao An, huyện Cẩm Giàng, cấp giấy CNQSD đất số W040686 ngày 30/3/2002.
3. Hợp đồng thế chấp tài sản số 01/2012/HĐTC-CTYAA ngày 18/6/2012. Quyền sử dụng thửa đất số 292, tờ bản đồ số 04, diện tích 912m2; tài sản gắn liền với đất: nhà ở cấp 4, 1 tầng, diện tích xây dựng 80m2, địa chỉ: Thôn Lẻ, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, cấp giấy CNQSD đất số BE 939505 ngày 02/6/2011.
Các hợp đồng thế chấp trên đều được công chứng hợp pháp và đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Quá trình thực hiện nghĩa vụ bên vay:
Tính đến ngày 31/8/2016, thời hạn vay kết thúc, nhưng bà Tám chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, cụ thể tiền nợ gốc, nợ lãi, lãi quá hạn theo từng hợp đồng. Ngân hàng đề nghị Tòa án giải quyết:
- Buộc bên vay là bà Lê Thị Tám phải trả cho Ngân hàng số tiền 6.243.273.516 đồng.
- Tuyên bảo đảm nghĩa vụ thi hành án của bà Lê Thị Tám bằng việc xử lý các tài sản như trên.
Tại Điều 11 của các Hợp đồng tín dụng Số 05/2013/HĐTD-4826478 ngày 19/12/2013, Số 06/2013/HĐTD-4826478 ngày 20/12/2013, Số 01/2013/ HĐTD-4826478 về giải quyết tranh chấp ghi rõ: “Mọi tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng được giải quyết trên cơ sở thương lượng bình đẳng giữa hai bên. Trường hợp không thương lượng được, thì sẽ đưa ra Tòa án nơi BIDV đặt trụ sở chính để giải quyết, trừ trường hợp pháp luật đã chỉ định bắt buộc Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp”.
Tại Điều 12 của các Hợp đồng thế chấp tài sản bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liên với đất đều ghi rõ: “Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu phát sinh tranh chấp các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; Trong trường hợp không giải quyết được, thì một trong các bên có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương giải quyết theo quy định của pháp luật ”.
Do vậy, Tại phiên tòa KSV đã nêu quan điểm: Đối với việc tranh chấp các hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản, đối chiếu với quy định tại Điều 38, 39 Bộ luật TTDS, vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND thành phố Hải Dương. Đồng thời, TAND tỉnh Hải Dương cũng không có thẩm quyền giải quyết vụ án (Vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện, thỏa thuận của các bên về việc khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Hải Dương giải quyết là không đúng quy định của pháp luật). Mà vụ án thuộc thẩm quyền của TAND quận Hoàn Kiếm - thành phố Hà Nội, nơi BIDV đặt trụ sở chính. Đề nghị HĐXX căn cứ quy định tại Điều 41 Bộ luật TTHS, chuyển vụ án cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết. HĐXX đã nhất trí với quan điểm của VKS, ra Quyết định chuyển vụ án cho TAND quận Hoàn Kiếm - TP. Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền. Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam - chi nhánh Hải Dương đã khiếu nại Quyết định chuyển vụ án trên. Chánh án TAND thành phố Hải Dương đã ra quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung: “Chấp nhận khiếu nại của Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam - chi nhánh Hải Dương đối với Quyết định chuyển hồ sơ vụ án của HĐXX Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương; Quyết định chuyển hồ sơ vụ án hết hiệu lực thi hành kể từ ngày ký quyết định này”.
Sau đó ông Nguyễn Văn Tuân là đại diện theo ủy quyền của ông Vũ Văn Chính, bà Lê Thị Năm và ông Phạm Ngọc Thắng, bà Nguyễn Thị Hạnh có đơn gửi TAND tỉnh Hải Dương về việc Chánh án TAND thành phố Hải Dương không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Ngày 29/7/2018 TAND tỉnh Hải Dương có văn bản số 35/TB-TA trả lời đơn của ông Tuân, xác định: Căn cứ Điều 41 Bộ luật TTDS, Chánh án TAND thành phố Hải Dương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với việc chuyển vụ, việc dân sự, đồng thời, Quyết định của Chánh án TAND thành phố Hải Dương là Quyết định cuối cùng, vì vậy nội dung đơn của ông Tuân không có căn cứ để Chánh án TAND tỉnh Hải Dương xem xét, giải quyết.
Như vậy có những đánh giá khác nhau trong áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp thẩm quyền giải quyết vụ án:
Theo quy định tại Điều 41 Bộ luật TTDS:
“1. Vụ việc dân sự đã được thụ lý mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã thụ lý thì Tòa án đó ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án án đó trong sổ thụ lý ...
Đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị quyết định này trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định . Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị, Chánh án Tòa án đã ra quyết định chuyển vụ việc dân sự phải giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Quyết định của Chánh án là quyết định cuối cùng ”.
Trong trường hợp của vụ án này, chỉ sau khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử mới xác định vụ án không thuộc thẩm quyền và HĐXX (mà không phải Tòa án) quyết định chuyển vụ án. Như vậy quy định tại Điều 41 Bộ luật TTDS về thẩm quyền ra Quyết định chuyển vụ án theo là chưa đầy đủ.
Tại khoản 2 Điều 235 Bộ luật TTDS có quy định: “2. Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, chuyển vụ án, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tạm ngừng phiên tòa phải được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng nghị án và lập thành văn bản”. Như vậy có quy định về thẩm quyền ra Quyết định chuyển vụ án của HĐXX, tuy nhiên lại không quy định quyền khiếu nại, kháng cáo của đương sự hay kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát với Quyết định chuyển vụ án của Hội đồng xét xử.
Cách quy định như trên của Bộ luật TTDS là thiếu tính hệ thống, chưa khoa học, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết khiếu nại, kiến nghị trong giải quyết tranh chấp về thẩm quyền.
Kiến nghị: VKSND Tối cao, TAND tối cao cần có hướng dẫn cụ thể để giải quyết đối với trường hợp tương tự. Theo ý kiến cá nhân, nên hướng dẫn theo cách quy định tại Điều 34 Luật Tố tụng hành chính đảm bảo đầy đủ, khoa học, dễ vận dụng, cụ thể:
“2. Trước khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm mà có căn cứ xác định việc giải quyết vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án khác thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hành chính ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho cho Tòa án có thẩm quyền và xóa sổ thụ lý, đồng thời thông báo cho đương sự và Viện kiểm sát.
3. Sau khi đã có Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm mà có căn cứ xác định việc giải quyết vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án khác thì Tòa án phải mở phiên tòa để Hội đồng xét xử ra Quyết định đình chỉ việc xét xử, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền. ..
...
6. Đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị Quyết định quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án đã ra quyết định chuyển vụ án phải giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Quyết định của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng và được gửi ngay cho đương sự có khiếu nại, Viện kiểm sát có kiến nghị.”.
Nguyễn Văn Tưởng VKSND TP Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.