Xác định tình tiết định khung về tội giết người trong vụ án cụ thể

Thứ năm - 19/12/2019 21:36

Sau khi nghiên cứu nội dung vụ án Phan Đình Quân, bị truy tố, xét xử về tội “Giết người” xảy ra tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, được VKSND cấp cao tại Hà Nội rút kinh nghiệm tại Thông báo số 46/TB-VC1-V1 ngày 10/10/2019, tôi có một số băn khoăn về việc áp dụng tình tiết định khung và lượng hình phạt đối với bị cáo như sau:

Tóm tắt nội dung vụ án: Khoảng 16 giờ ngày 31/5/2016, Phan Đình Quân điều khiển xe ô tô tải mang BS 38C-073.05 đi trên Quốc lộ 1A, đến địa phận xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh do thiếu chú ý quan sát nên khi chuyển hướng đã gây tai nạn với xe máy điện do cháu Hoàng Đức Phượng, sinh năm 1988 (đang là học sinh) điều khiển, xe máy điện và cháu Phượng bị cuốn vào gầm ô tô. Khi phát hiện có tai nạn, Quân xuống xe thấy nạn nhân chưa chết, đang bị thương nằm ở phía trước bánh xe ô tô, Quân không tìm cách cứu chữa và không giữ nguyên hiện trường mà lên xe cho xe tiến lên phía trước và cán qua người nạn nhân, khiến cháu Phượng bị bánh xe ô tô cán qua đầu vỡ sọ não tử vong tại chỗ, xe ô tô tải của Quân chạy tiếp 30 mét thì dừng lại. Hành vi phạm tội của bị cáo bị dư luận lên án...

- Cấp sơ thẩm truy tố, xét xử đối với bị cáo Phan Đình Quân về tội giết người theo Khoản 2, Điều 93, điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999, xử phạt bị cáo Quân 12 năm tù.

- Viện kiểm sát cấp cao 1 kháng nghị theo hướng áp dụng tình tiết phạm tội “có tính chất côn đồ” theo điểm n khoản 1 điều 93 và tăng hình phạt đối với bị cáo, Tòa án Cấp cao 1 xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị, xử phạt bị cáo Quân 13 năm, 6 tháng tù.

Sau khi nghiên cứu thấy tuy cấp phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm áp dụng n khoản 1 điều 93 và tăng hình phạt đối với bị cáo là có căn cứ, tuy nhiên vẫn chưa đánh giá hết tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo và quyết định hình phạt chưa thỏa đáng ở một số khía cạnh như sau:

- Thứ nhất; Động cơ giết người của bị cáo được xuất hiện sau khi vụ tai nạn xảy ra và khi bị cáo xem xét “thực trạng” của tình hình nạn nhân đang nằm dưới gầm xe, do vậy bị cáo đã cho xe chèn qua để nạn nhân chết hẳn. Ở đây cần xác định là: nạn nhân là người đang trong trình trạng nguy hiểm đến tính mạng, đang cầu cứu cần được giúp đỡ, không có khả năng tự mình thoát hiểm và càng không có khả năng tự vệ khi đang nằm tại bánh xe ô tô; bị cáo Quân đã không thực hiện trách nhiệm của mình là cứu giúp nạn nhân vụ tai nạn do chính mình gây ra mà còn lợi dụng vào lúc nạn nhân không thể thoát được để thực hiện tội phạm là cho xe chạy tiếp để tước đoạt tính mạng của anh Phượng.Với một người không hề mâu thuẫn và đang cần được cứu giúp, đã không được cứu mà còn bị chính người gây tai nạn tước đoạt tính mạng.

Như vậy, với hành vi nêu trên, đủ thấy khi thực hiện tội phạm, bị cáo đã rất coi thường mạng sống của người khác, vô cảm và lạnh lùng cố tình tước đoạt tính mạng của anh Phượng. Bị cáo thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp, mong muốn tước đoạt tính mạng của người khác.

- Thứ hai; về động cơ phạm tội: tại Thông báo rút kinh nghiệm số 46/TB-VC1-V1 ngày 10/10/2019, có nêu “...đáng ra khi phát hiện tai nạn, bị cáo phải tìm cách cứu chữa nạn nhân nhưng bị cáo lại có hành vi tiếp tục  cho xe cán qua người, cho nạn nhân tử vong tại chỗ nhằm trốn tránh trách nhiệm cứu chữa”; như vậy, việc thực hiện hành vi giết người của bị cáo có động cơ là trốn tránh trách nhiệm của chính mình, và động cơ này mang tính ích kỷ, thấp hèn; do vậy động cơ này cần phải coi là “đê hèn” khi thực hiện tội phạm (theo quy định tại Nghị quyết số 04-HĐTPTATC/NQ ngày 29/11/1986 có nêu một số ví dụ để vận dụng tình tiết này, trong đó có nêu động cơ trốn tránh trách nhiệm được coi là động cơ đê hèn...);

- Thứ ba; một tình tiết khác cũng cần được xem xét thấu đáo, đó là: bị cáo là người lái xe vận tải và sau khi vụ tai nạn xảy ra, bị cáo dùng chính phương tiện mà bị cáo gây tai nạn để giết người, với phương thức thủ đoạn là cho xe chèn qua nạn nhân; với phương pháp thủ đoạn này, bị cáo rất dễ dàng thực hiện tội phạm (trong trường hợp này thì chỉ nhấn ga là thực hiện xong) và cũng dễ dàng che giấu tội phạm giết người để đánh lạc hướng các cơ quan chức năng sang tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả chết người...Vì vậy, tôi cho rằng bị cáo đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để thực hiện hành vi phạm tội.

Trên cơ sở phân tích một số tình tiết nêu trên, tôi thấy cần truy tố, xét xử bị cáo Phan Đình Quân về tội giết người theo với các tình tiết định khung là: có tính chất côn đồ (điểm n); Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp (điểm k) và tình tiết vì động cơ đê hèn (điểm q), Khoản 1, Điều 93 BLHS năm 1999; với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi nêu trên, cần có một hình phạt đủ nghiêm và tăng hình phạt từ 20 năm hoặc tù chung thân mới phù hợp tính nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi để các đồng nghiệp tham khảo, rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi của các đồng nghiệp.

                                                                                                Vũ Quang Vinh
Thanh tra - VKSND tỉnh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây