Giơi thiệu một số điểm mới của Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Chủ nhật - 18/10/2020 21:03

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ gồm 08 chương, 84 điều. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hiện hành, Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ có một số điểm mới nổi bật.

Trong chương I (Những quy định chung) đã bổ sung một số khái niệm, định nghĩa mới, sửa đổi một số khái niệm, định nghĩa chính xác, phù hợp với thực tiễn hơn. Quy định cụ thể về nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, phân công trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác tuyên truyền.

Trong chương II (Hệ thống báo hiệu và quy tắc giao thông đường bộ) đã sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn một số quy tắc giao thông như: nhường đường cho người đi bộ, người khuyết tật, người già, trẻ em; quy tắc sử dụng làn đường, chuyển hướng; sửa đổi quy định tốc độ tối đa trong khu vực đông dân cư và ngoài khu vực đông dân cư.

  Chương III (Phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ) đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về công tác đăng ký, cấp biển số xe theo hướng chặt chẽ hơn nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, phục vụ nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã xác định quản lý người lái xe là quản lý hành vi của con người, phù hợp với Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nhiều quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, có thể áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

  Trong chương IV (Tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ) đã quy định cụ thể so với Luật hiện hành các nội dung trong tổ chức giao thông; giải quyết những vấn đề bất cập về tổ chức giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông... Trên cơ sở đó, lực lượng chức năng có cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ khi tổ chức thực hiện.

  Chương V (Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ) đã quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn giao thông; trách nhiệm của cơ quan Y tế, Công an, Quân đội, cơ quan bảo trì, khai thác đường bộ... Đây là những nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để bảo đảm việc giải quyết tai nạn giao thông được kịp thời, khách quan, chính xác.

  Chương VI (Thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm và trách nhiệm pháp lý) có nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là đã quy định rõ ràng về tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa xử lý vi phạm về TTATGT đường bộ, kiểm soát thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; tiếp nhận thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự an toàn giao thông do tổ chức, các nhân cung cấp..., góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm; cải cách căn bản phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính đồng thời nâng cao hiệu  lực và tính nghiêm minh của pháp luật.

  Chương VII (Quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ) quy định nội dung quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT đường bộ, quy định về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ một cách rõ ràng, rành mạch, đúng quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, điểm mới quy định về trung tâm chỉ huy điều khiển, giám sát giao thông và cơ sở dữ liệu trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, theo đó trung tâm chỉ huy điều khiển, giám sát giao thông có chức năng giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông; kết nối và xử lý dữ liệu camera từ các cơ quan, tổ chức khác.

  Việc xây dựng Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ với sự điều chỉnh các nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, tách bạch với hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý vận tải đường bộ là xu hướng xây dựng pháp luật hiện đại, trong đó điểm mới nổi bật là: Luật hóa đầy đủ và có hệ thống các quy định về TTATGT ưu tiên ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ hiện đại trong giám sát, chỉ huy, điều hành giao thông, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm.

Do vậy khi Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ được ban hành sẽ đủ mạnh để kiểm soát tình hình, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo hành lang pháp lý cho các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông làm giảm vi phạm, tai nạn và ùn tắc giao thông, góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức chấp hành pháp luật và hình thành văn hóa giao thông văn minh.

                                                                                                                                 Đình Thụy, Đức Dũng
Văn phòng tổng hợp
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây