Có hay không cha mẹ tặng cho con quyến sử dụng đất

Thứ sáu - 23/10/2020 22:12

Có hay không cha mẹ tặng cho con quyến sử dụng đất

Tặng cho quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên tặng cho chuyển giao quyền sử dụng đất của mình cùng diện tích thửa đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù. Vậy, việc tặng cho quyền sử dụng đất hoàn thành khi nào? Hiện nay có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến đường lối giải quyết vụ án khác nhau. Xin nêu trường hợp diễn ra trong thực tiễn xét xử, để cùng nghiên cứu:

Anh Đỗ Văn S và chị Phạm Thị M tự nguyện đăng ký kết hôn tại UBND xã A, huyện B ngày 08/5/2008, sau khi kết hôn vợ chồng thuê nhà trọ sinh sống. Đến năm 2010, anh chị chuyển đến diện tích đất 400m2 ở thôn X, xã A, của ông Đỗ Văn D, bà Nguyễn Thị H (là bố mẹ đẻ anh S) sinh sống. Quá trình sinh sống, anh chị đã san lấp, tôn tạo, xây dựng nhà cấp 4, lán tôn, làm sân, trên diện tích đất 200 m2, xây dựng tường bao xung quanh diện tích 400 m2. Do mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng, tháng 2/2020, chị M làm đơn xin ly hôn anh S và yêu cầu chia tài sản là diện tích đất 400m2 và toàn bộ tài sản là công trình trên diện tích đất, chị cho rằng diện tích đất 400 m2 là tài sản chung của chị và anh S, vì ông D, bà H đã cho anh chị, anh chị đã sinh sống ổn định và xây dựng các công trình trên đất thời gian 10 năm nay mà không có tranh chấp gì.

Anh S, ông D, bà H, cho rằng diện tích đất 400m2 là tài sản của ông D, bà H, ông bà cho anh S, chị M mượn đất để ở chứ ông bà không cho đất; từ trước đến nay ông D, bà H chưa làm thủ tục tặng cho hay chuyển nhượng đất cho bất kỳ ai. Xác minh tại UBND xã A cũng xác định, diện tích đất 400 m2, nguồn gốc của ông D, bà H, đất này không có tranh chấp, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông D, bà H năm 2012; cho đến nay ông D, bà H, chưa làm thủ tục tặng cho hay chuyển nhượng cho ai.

Quan điểm thứ nhất:

Chấp nhận yêu cầu của chị M, xác định diện tích đất 400 m2 tại thôn X, xã A, huyện B là tài sản chung của anh S và chị M, bởi:

Thửa đất anh S, chị M đang sử dụng đã được cấp giấy CNQSDĐ mang tên ông D, bà H, nhưng có cơ sở xác định ông D, bà H đã nhất trí cho anh S, chị M san lấp, tôn tạo đất, xây dựng nhà kiên cố, làm sân, lán tôn, xây dựng tường bao kiên cố xung quanh thửa đất năm 2010. Nhà ở có khuôn viên độc lập. Anh chị sử dụng ổn định, không có ai phản đối hay tranh chấp. Ông D đã cho anh S, chị M xây dựng, xây khuôn viên, tách thành thửa đất riêng biệt, ông D, bà H cũng có chỗ ở riêng biệt khác không liên quan đến diện tích đất này. Quan điểm của ông D, bà H là: Nếu anh chị bảo ban nhau làm ăn thì ông bà vẫn cho anh chị sử dụng đất. Tất cả các căn cứ trên thể hiện ý chí của ông D, bà H đã cho anh S, chị M đất để làm nhà và xây dựng các công trình khác trên đất.



Quan điểm thứ hai:

Không chấp nhận yêu cầu của chị M, xác định diện tích đất 400 m2 tại thôn X, xã A, huyện B là tài sản chung của ông D, bà H, bởi:

- Diện tích đất 400 m2,  có nguồn gốc của ông D, bà H; Năm 2012, ông bà  được UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Từ năm 2010 đến nay ông bà chưa làm thủ tục tặng cho, chuyển nhượng đất cho bất kỳ ai.

- Lời khai của ông D, bà H và anh S, đều thể hiện, ông D, bà H cho anh S, chị M mượn đất để ở chứ không tặng cho quyền sử dụng đất. Chị M không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc ông D, bà H tặng cho vợ chồng chị quyền sử đụng đất.

- Không có căn cứ pháp luật để cho rằng diện tích đất 400 m2 tại thôn X, xã A, huyện B là tài sản chung của ông D, bà H:

+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 467 Bộ luật dân sự, thì: “Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu”.

+ Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, cũng quy đinh: “hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất … phải được công chứng hoặc chứng thực”.

+ Án lệ số 03/2016, hướng dẫn: Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng, nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất.

Như vậy, ở quan điểm thứ nhất, không cần căn cứ vào việc có văn bản pháp luật quy định hay không mà chỉ căn cứ vào hiện trạng thực tế sử dụng, thời gian sử dụng lâu dài để khẳng định ý chí của người có bất động sản là đã tặng cho quyền sử dụng đất. Quan điểm này chưa thực sự mang tính thuyết phục, vì: Nếu khi quyết định đến quyền tài sản mà không căn cứ vào các quy định pháp luật thì trong thực tế cuộc sống, người dân không biết đâu là chuẩn mực để căn cứ thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Đây là vấn đề thực tiễn có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng trong hoạt động xét xử các vụ án dân sự liên quan đến đất đai. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền quan tâm nghiên cứu hướng dẫn để thống nhất thực hiện./.

                                                                                                        Phạm Thị Huyên
VKSND huyện Cẩm Giàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây