- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Ngày 10 tháng 02 năm 2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký Quyết định số 26/QĐ-VKSTC về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân (sau đây gọi tắt là Quy định 26) có hiệu lực kể từ ngày 10/02/2020, thay thế Quyết định số 04/QĐ-VKSTC-V15 ngày 22/12/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sau đây gọi tắt là Quy định 04). Quy định 26 gồm 3 chương, 24 điều (tăng 04 điều so với Quy định 04), có một số điểm mới căn bản như sau:
Một là, Quy định 26 bổ sung quy định về Nguyên tắc áp dụng (Điều 3):
“1. Công chức, viên chức khi được xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý; chức danh tư pháp phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn của Quy định này.
2. Tiêu chuẩn nêu trong Quy định này là căn cứ để cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, làm cơ sở quy hoạch cán bộ và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa cán bộ lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp.
3. Trường hợp công chức, viên chức chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định này mà đơn vị có nhu cầu thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định”.
Hai là, Quy định 26 bổ sung quy định về tiêu chuẩn chung (Điều 4), gồm: tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng; về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; về năng lực và uy tín; công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý Viện kiểm sát nhân dân; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu; không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật; không trong thời gian thi hành kỷ luật (từ cảnh cáo trở lên khi xem xét bổ nhiệm mới chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn) hoặc đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự; không vi phạm quy định của Đảng, của Ngành về bảo vệ chính trị nội bộ. Nội dung này được xây dựng trên cơ sở khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tại Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Ba là, Quy định 26 không quy định cụ thể về trình độ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn cụ thể đối với các chức vụ lãnh đạo, quản lý và các chức danh tư pháp. Nội dung này được xây dựng phù hợp với quy định khung tiêu chuẩn về trình độ “Có trình độ tin học, ngoại ngữ cần thiết và phù hợp” tại Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị.
Bốn là, Quy định 26 bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức cụ thể đối với các chức vụ lãnh đạo, quản lý, như:
- Đối với chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh: Bổ sung quy định về ngạch công chức: “Kiểm sát viên trung cấp trở lên” (khoản 2, Điều 8).
- Đối với chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương: Bổ sung quy định về ngạch công chức (điểm c, khoản 2, Điều 10), theo đó: “Phòng trực tiếp làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp: Kiểm sát viên trung cấp”; “Phòng không trực tiếp làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp: Kiểm sát viên trung cấp đối với Trưởng phòng; Kiểm sát viên sơ cấp hoặc tương đương trở lên đối với Phó Trưởng phòng”; “Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện: Kiểm sát viên sơ cấp”.
- Đối với chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện: Bổ sung quy định về ngạch công chức: “Kiểm sát viên sơ cấp trở lên” (khoản 2, Điều 11).
Năm là, bổ sung quy định về trình độ lý luận chính trị đối với một số chức vụ, chức danh như:
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Trưởng phòng và tương đương của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện yêu cầu có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên (khoản 3 Điều 9; khoản 3 Điều 10; khoản 2 Điều 11).
- Đối với các chức danh tư pháp như Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm tra viên chính yêu cầu phải là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (khoản 2, Điều 16; khoản 3 Điều 18).
Sáu là, bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện chức danh Kiểm tra viên theo quy định của Nghị quyết số 924/2015/UBTVQH13 ngày 13/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiêu chuẩn của Cán bộ điều tra theo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015./.
Trần Thu Hiền - Phòng 15 (tổng hợp, giới thiệu) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.