Những điểm mới của Dự thảo Luật phòng, chống ma túy

Thứ ba - 27/10/2020 03:03

Vừa qua, Bộ công an đã trình Dự thảo luật phòng chống ma túy để lấy ý kiến nhân dân, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 9 chương, 68 điều. Tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều mới.

Trên cơ sở kế thừa các Điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã sửa đổi và bổ sung nhiều nội dung mới, cụ thể như:

1. So với Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi năm 2008, Dự thảo Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã bổ sung tiêu đề cho tất cả các điều luật.

2. Dự thảo đã bổ sung, sửa đổi một số khái niệm: Tại Điều 3, Dự thảo bổ sung khái niệm mới về người sử dụng trái phép chất ma túy như sau: “người sử dụng trái phép chất ma túy là người tự ý hoặc đồng ý cho người khác đưa chất ma túy vào cơ thể mình mà không được sự cho phép của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Việc bổ sung khái niệm này để phân biệt với “người nghiện ma túy”, quy định các biện pháp ngăn chặn họ tiếp tục sử dụng và dẫn đến nghiện ma túy, kịp thời giám sát, giáo dục không để họ gây rối trật tự, đe dọa tính mạng và tài sản của người khác. Đồng thời, áp dụng các biện pháp cai nghiện đối với người nghiện và áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.  

Bổ sung khái niệm cai nghiện ma túy: Khoản 15 Điều 3 Dự thảo quy định “cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện tổng thể các can thiệp, hỗ trợ về tâm lý, nhận thức, pháp lý, xã hội và sức khỏe để giúp người nghiện ma túy nâng cao nhận thức và không còn nghiện ma túy.

Bên cạnh đó, Dự luật đã tách khái niệm "tội phạm về ma túy" ra khỏi "tệ nạn ma túy" nhằm xác định đúng tính chất của "tội phạm về ma túy" và "tệ nạn ma túy" bởi tệ nạn là hiện tượng xã hội còn tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể được qui định trong Bộ luật Hình sự và phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Dự luật đã bổ sung thêm Chương IV: Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, bổ sung thêm quy định về thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy.

4. Bãi bỏ biện pháp quản lý sau cai trong Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để phù hợp với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính;

- Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) mở rộng thêm phạm vi và đối tượng áp dụng của so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, cụ thể:

Về phạm vi áp dụng: Tại Điều 1 của Dự thảo quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến  ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy, hợp tác quốc tế về ma túy và quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.

Về đối tượng áp dụng của luật: Tại Điều 2 của dự thảo đã bổ sung quy định đối tượng áp dụng của luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống ma túy.  

5. Quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm phòng chống ma túy. Dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, gia đình và trách nhiệm, quyền và củng cố tăng cường nguồn lực cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy.

Luật phòng chống ma túy hiện hành quy định cá nhân, gia đình có trách nhiệm: “Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma túy của thân nhân và của người khác" không khả thi, rất khó để thực hiện. Vì vậy, Dự thảo đã quy định theo hướng cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giúp đỡ, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm ma túy.

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vị địa bàn, khu vực mình quản lý được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy chứ không chỉ hạn chế ở các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần như quy định của luật hiện hành.

6. Quy định mới về cai nghiện ma túy: Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định rõ việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên; quản lý, cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo tính thống nhất hệ thống pháp luật. Tại các cơ sở cai nghiện bố trí một khu dành riêng cho người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; bổ sung quy định về công tác thống kê người nghiện ma túy cho các Bộ, trong đó Bộ Công an có trách nhiệm tổng hợp số liệu chung về người nghiện. Đảm bảo công tác thống kê người nghiện được chính xác; không quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, vì thực tế biện pháp này không đủ nguồn lực về con người, vật chất và không hiệu quả; bổ sung thẩm quyền cho người đứng đầu cơ sở cai nghiện bắt buộc được kiểm tra hành chính đối với người nghiện và đồ vật gửi vào cơ sở cai nghiện khi phát hiện có dấu hiệu cất giấu ma túy, đồ vật cấm để ngăn tình trạng thẩm lậu ma túy vào cơ sở cai nghiện và quy định cho cán bộ cơ sở cai nghiện được sử dụng công cụ hỗ trợ để ngăn chặn tình trạng gây rối trong cơ sở cai nghiện. 

                                                                                                                                 Nguyễn Quang Hưng
VKSND Tp Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây