- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Tại phiên tòa sơ thẩm về hình sự, Kiểm sát viên phải đối đáp, tranh luận với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Hoạt động đối đáp tranh luận của Kiểm sát viên nhằm làm rõ sự thật khách quan về mọi tình tiết của vụ án, bác bỏ các quan điểm sai trái của người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát, giúp cho Hội đồng xét xử ra một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Do vậy, công tác chuẩn bị của Kiểm sát viên cho hoạt động này là đặc biệt quan trọng và cần thiết. Bài viết này, tác giả xin đưa ra một số kinh nghiệm của cá nhân trong công tác chuẩn bị cho việc đối đáp tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm để cùng trao đổi, nghiên cứu, vận dụng:
(Hình ảnh Kiểm sát viên THQCT và kiểm sát xét xử vụ án hình sự)
Thứ nhất, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, tìm ra những vấn đề còn mâu thuẫn, những chứng cứ yếu, đặc biệt phải kiểm tra lại những chứng cứ buộc tội bị cáo. Nếu bị cáo phản cung chối tội tại tòa thì các chứng cứ đó có đủ để buộc tội không. Chuẩn bị các tài liệu khác có liên quan đến việc kết tội bị cáo và giải quyết vụ án (các tài liệu của các ngành chuyên môn, lĩnh vực có liên quan…)
Thứ hai, hồ sơ kiểm sát án hình sự phải được lập theo đúng quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các tài liệu chứng cứ được trích cứu, sao chụp đầy đủ có ghi bút lục theo hồ sơ chính để khi đối đáp tranh luận có thể nêu rõ bút lục của tài liệu trong hồ sơ chính, nâng cao tính thuyết phục trong lập luận, đối đáp, tranh luận.
Thứ ba, phải xây dựng kế hoạch xét hỏi gắn liền với xây dựng kế hoạch tranh luận tại phiên tòa và chuẩn bị các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật của cơ quan chức năng có liên quan đến việc xác định tội danh, điều khoản để áp dụng hình phạt, trách nhiệm dân sự đối với bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án để chủ động trong đối đáp, tranh luận tại phiên tòa. Kế hoạch xét hỏi phải hỗ trợ và phục vụ ngay cho kế hoạch tranh luận tại phiên tòa. Khi dự thảo kế hoạch đối đáp, tranh luận tại phiên tòa, phải tự đặt mình vào vị trí của bị cáo, người bào chữa để tìm các lý lẽ, chứng cứ có lợi cho bị cáo để dự đoán những nội dung chính, những tình huống mà luật sư, bị cáo sẽ tranh luận, sau đó tìm những tài liệu, chứng cứ để bác bỏ.
Thứ tư, khi xây dựng kế hoạch tranh luận, Kiểm sát viên cần chú ý đối với một số loại tội có biểu hiện về hành vi khách quan giống nhau để chủ động đưa ra những chứng cứ và lý lẽ, lập luận nhằm khẳng định tội danh đã truy tố, điều luật đã áp dụng là đúng, ví dụ giữa tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, giữa tội “Cướp tài sản” với tội “Cưỡng đoạt tài sản”… trong những trường hợp này, Kiểm sát viên phải đưa ra những chứng cứ và phân tích, lập luận làm rõ ý thức chủ quan của bị cáo (như nhận thức về hành vi, hậu quả..) khi phạm tội; hay phân tích, lập luận để thấy rõ trạng thái tâm lý, tinh thần của người bị hại tại thời điểm xảy ra vụ án (như thời gian, địa điểm, không gian.. tại hiện trường vụ án), từ đó khẳng định tội danh đã truy tố là có căn cứ.
Thứ năm, tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải tập trung theo dõi diễn biến phiên tòa, tích cực tham gia xét hỏi, đấu tranh làm rõ những chứng cứ buộc tội, ghi chép đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và câu trả lời của bị cáo, từ đó chuẩn bị ý kiến đối đáp tranh luận.
Thứ sáu, Kiểm sát viên phải tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng viết, kỹ năng nói, kịp thời rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tòa để việc đối đáp tranh luận ở phiên tòa sau được tốt hơn phiên tòa trước, đáp ứng được yêu cầu, nâng cao chất lượng đối đáp tranh luận tại phiên tòa.
Có thể nói việc đối đáp, tranh luận tại phiên tòa hình sự giữa Kiểm sát viên với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác sẽ làm cho phiên tòa trở nên khách quan hơn. Đối đáp, tranh luận tốt, có chất lượng góp phần nâng cao vai trò của Kiểm sát viên tại phiên tòa và vị thế của Viện kiểm sát nhân dân.
Nguyễn Thị Hương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.