- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Thời gian qua, số vụ Tòa án thụ lý đề nghị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (gọi tắt là BPXLHC) tăng lên đáng kể. Tuy nhiên trong quá trình kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC nhận thấy, một số quy định của Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 (gọi tắt là Pháp lệnh 09) về đình chỉ việc xem xét, áp dụng BPXLHC còn vướng mắc, bất cập, cụ thể như sau:
Thứ nhất, vướng mắc về thời điểm ra quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC:
Theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh 09, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, căn cứ vào kết quả kiểm tra hồ sơ, Thẩm phán phải quyết định về một trong các nội dung:
- Yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ;
- Đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC;
- Mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC.
Vậy trong trường hợp trong thời hạn nêu trên, Thẩm phán đã ra quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC nhưng chưa đến ngày mở phiên họp thì xác định có căn cứ để đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC (ví dụ "Cơ quan đề nghị rút đề nghị"), thì Thẩm phán căn cứ khoản 1 Điều 15 Pháp lệnh 09 để ra quyết định đình chỉ ngay hay vẫn mở phiên họp và tại phiên họp công bố quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC?
Theo quan điểm của tác giả, trong trường hợp này, vẫn phải tiến hành mở phiên họp và tại phiên họp Thẩm phán công bố quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC vì theo quy định tại Điều 20 Pháp lệnh 09 thì tại phiên họp, Thẩm phán công bố quyết định áp dụng hoặc không áp dụng BPXLHC hoặc đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 15. Hơn nữa, trong Pháp lệnh 09 không có quy định về việc khi có căn cứ đình chỉ, Thẩm phán phải ra ngay quyết định đình chỉ, Thẩm phán cũng đã ra quyết định mở phiên họp trong thời hạn quy định nên vẫn cần tiến hành mở phiên họp và tiến hành các trình tự, thủ tục để xem xét nếu có căn cứ đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC thì Thẩm phán công bố quyết định tại phiên họp.
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, chỉ cần có căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15, thì Thẩm phán ra ngay quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC mà không cần thiết phải mở phiên họp. Vì mặc dù Pháp lệnh 09 không quy định khi có căn cứ đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC thì Thẩm phán phải ra ngay quyết định đình chỉ, nhưng theo quy định tại Điều 12 thì Thẩm phán có thể ra quyết định đình chỉ mà không cần mở phiên họp, nên để đảm bảo việc giải quyết nhanh chóng, kịp thời, khi đã có căn cứ đình chỉ thì không cần thiết phải mở phiên họp để ra quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC.
Thứ hai, vướng mắc trong quy định về thời hạn kháng nghị quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC.
Tại khoản 2 Điều 31 Pháp lệnh 09 quy định, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC là 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án công bố quyết định.
Trong Pháp lệnh 09 không có điều luật giải thích từ ngữ, tuy nhiên trong các điều luật của Pháp lệnh 09 quy định về thời hạn thường xác định từ ngày Tòa án ra quyết định hoặc ngày Tòa án công bố quyết định. Theo từ điển tiếng Việt, "công bố" nghĩa là "thông báo công khai cho mọi người biết", như vậy, với các quyết định Thẩm phán công bố tại phiên họp, Kiểm sát viên đã tham gia phiên họp nên việc quy định thời hạn kháng nghị như trên là phù hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp quy định tại Điều 12 Pháp lệnh 09, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ thấy có căn cứ và ra quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC thì quy định thời hạn kháng nghị là 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án công bố quyết định là chưa phù hợp. Vì trường hợp này Thẩm phán ra quyết định và gửi cho Viện kiểm sát, cơ quan đề nghị, người bị đề nghị chứ không công bố quyết định. Như vậy, theo tác giả, cần thiết quy định thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát trong trường hợp này là 03 ngày làm việc kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được quyết định.
Trên đây là một số vướng mắc khi kiểm sát quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC, rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý từ quý đồng nghiệp và bạn đọc./.
Cao Thị
Thu Trang VKSND Thành phố Chí Linh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.