Khi nào Cơ quan điều tra nhập vụ án hình sự để điều tra

Thứ ba - 22/06/2021 23:23

Khi nào Cơ quan điều tra nhập vụ án hình sự để điều tra

Nguồn ảnh: internet

Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự (Bộ luật TTHS) quy định: Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: a) Bị can phạm nhiều tội; b) Bị can phạm tội nhiều lần; c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.

Về căn cứ nhập vụ án hình sự để điều tra

(1) Bị can phạm nhiều tội: một bị can phạm nhiều tội danh được quy định tại Bộ luật hình sự, các tội này đã được khởi tố và đang điều tra.

(2) Bị can phạm tội nhiều lần: Bị can phạm một tội danh, mỗi hành vi phạm tội đều cấu thành tội phạm và đã được khởi tố bằng một quyết định khác nhau, đang được điều tra. Ví dụ: Đang điều tra Nguyễn Văn A về tội trộm cắp tài sản giá trị 10 triệu đồng của ông Nguyễn Văn B tại TP HD tháng 6/2021 (vụ án tháng 6), lại phát hiện A còn đã trộm cắp tài sản giá trị 5 triệu đồng của ông Nguyễn Văn C tại TPHD trong tháng 5/2021, Cơ quan CSĐT Công an TPHD khởi tố vụ án Nguyễn Văn A trộm cắp tài sản của ông Nguyễn Văn C (vụ án tháng 5), ra quyết định nhập vụ án tháng 5 với vụ án tháng 6 để điều tra.

(3) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm là trường hợp vụ án có đồng phạm;  Hành vi che giấu tội phạm do bị can thực hiện (biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội), hành vi không tố giác tội phạm do bị can thực hiện (tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện), hành vi tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có

Tội phạm mà bị can thực hiện là tội phạm nguồn của tội Che giấu tội phạm, Không tố giác tội phạm, Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; liên quan chặt chẽ, cần phải điều tra trong cùng vụ án. Quy định này cũng được áp dụng để nhập vụ án Rửa tiền quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự với vụ án đang điều tra để tiến hành điều tra (Hành vi sử dụng tiền, tài sản biết hay có cơ sở đbiết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh, tiến hành các hoạt động khác, Hành vi cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyn hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có

Khi thực hiện Điều 170 Bộ luật TTHS, cần chú ý thực hiện quy định của Bộ luật TTHS về Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự và  quy định Khởi tố bị can, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, được hướng liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018  quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự như sau

Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018

Điều 8. Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự 3. Không thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu qua điều tra xác định được hành vi của bị can phạm vào khoản khác của tội danh đã khởi tố.Ví dụ: Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A về tội trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự; quá trình điều tra xác định được hành vi trộm cắp của Nguyễn Văn A phạm vào khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự hoặc phạm vào khoản 3 Điều 173 Bộ luật Hình sự, thì không phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Điều 9. Khởi tố bị can, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can 6. Việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, bổ sung quyết định khởi tố bị can trong trường hợp bị can có nhiều hành vi phạm tội nhưng cùng tội danh và trường hợp bị can phạm nhiều tội, được thực hiện như sau:

a) Nếu một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội nhưng cùng một tội danh và bị phát hiện cùng một thời điểm, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với tất cả các lần phạm tội đó. Nếu trong quá trình điều tra, truy tố phát hiện bị can còn thực hiện hành vi phạm tội có cùng tội danh mà chưa bị khởi tố thì ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi phạm tội đó;

b) Nếu tại một thời điểm mà một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau và được phát hiện cùng thời điểm, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với tất cả các hành vi phạm tội, trong đó ghi rõ từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật Hình sự được áp dụng;

c) Nếu một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau mà hành vi phạm tội trước là để thực hiện hành vi phạm tội sau hoặc các hành vi phạm tội có liên quan đến nhau, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với các hành vi phạm tội, trong đó ghi rõ từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật Hình sự được áp dụng;

d) Nếu một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội ở những thời điểm khác nhau và thuộc nhiều tội danh khác nhau nhưng bị phát hiện cùng một thời điểm, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với các hành vi phạm tội, trong đó ghi rõ từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật Hình sự được áp dụng;

đ) Khi phát hiện bị can phạm nhiều tội, trong đó có tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp trên thì Cơ quan điều tra cấp dưới phải trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát cùng cấp để chuyển toàn bộ vụ án cho Cơ quan điều tra cấp trên tiến hành điều tra.

Về thẩm quyền nhập vụ án hình sự để điều tra

Thẩm quyền nhập vụ án hình sự để tiến hành điều tra thuộc Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các cơ quan được nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra, không có quyền ra quyết định nhập vụ án hình sự để điều tra

Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự Luật số: 99/2015/QH13 ngày 26/11/2015

Điều 4.Hệ thống Cơ quan Điều tra

1. Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân.

2. Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân.

3. Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 5. Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân

1. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh).

2. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh); Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện).

Điều 6. Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân

1. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương.

2. Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực.

Điều 7. Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Điều 9.Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra

1. Các cơ quan của Bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục trinh sát biên phòng; Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng; Đồn biên phòng.

2. Các cơ quan của Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu.

3. Các cơ quan của Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm vùng; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; Hạt Kiểm lâm.

4. Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn; Hải đội; Đội nghiệp vụ.

5. Các cơ quan của Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tragồm có Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư vùng.

6. Các cơ quan của Công an nhân dânđược giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm cóCục Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) và Đội An ninh ở Công anhuyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện);CụcCảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trại giam.

7. Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.


Khi nào Cơ quan điều tra Quyết định nhập vụ án hình sự để điều tra

Điều 170 Bộ luật TTHS quy định: Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên. Có thể nhập là quy định tuỳ nghi, thực hiện quy định này cần chú ý:

Chỉ Quyết định nhập vụ án, khi điều tra vụ án hình sự mà đảm bảo phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Ngược lại, phải thận trọng khi nhập vụ án mà việc nhập vụ án để điều tra sẽ dẫn tới kéo dài thời hạn điều tra, giải quyết vụ án hình sự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác được pháp luật bảo vệ.

Ví dụ 1: Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án Nguyễn Văn A về tội Trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 173 BLHS, Nguyễn Văn B về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có  theo khoản 1 Điều 322 BLHS (A và B đều đã  bị gia hạn thời hạn tạm  giam và sắp hết hạn), lại phát hiện A còn trộm cắp tài sản của nhiều người khác (B không liên quan); trường hợp này có thể không nhập vụ án, vì nhập vụ án đảm bảo có lợi cho A khi xét xử, nhưng lại bất lợi cho B (kéo dài thời hạn tạm giam);

Ví dụ 2: Cơ quan điều tra Công an tỉnh Cao Bằng điều tra vụ án Nguyễn Văn A, khi A trộm cắp tài sản của ông C người dân tộc thiểu số trên địa bàntỉnh Cao Bằng (A chưa bồi thường dân sự), lại phát hiện A có hành vi trộm cắp tài sản trước đó của người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương;  trường hợp này có thể không nhập vụ án, vì nhập vụ án, đảm bảo có lợi cho A khi xét xử, nhưng lại bất lợi cho bị hại C.

Ví dụ 3: Ngày 18/5/2021 Nguyễn Văn A dùng hung khí gây thương tích cho Nguyễn Văn B tỷ lệ tổn thương cơ thể của Nguyễn Văn B là 21%, A bị khởi tố về khoản 2 Điều 134 BLHS; Ngày 21/5/2021, A dùng hung khí gây thương tích choNguyễn Văn C tỷ lệ tổn thương cơ thể của Nguyễn Văn C là 3%, A bị khởi tố về khoản 1 Điều 134 BLHS); trường hợp này có thể không quyết định nhập vụ án, vì nhập vụ án có thể dẫn đến xung đột pháp luật khi xét xử: A nhiều lần phạm tội Cố ý gây thương tích- tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay quyết định hình phạt từng lần theo từng khung hình phạt và tổng hợp, khi Luật chỉ quy định tổng hợp hình phạt từng tội, tổng hợp hình phạt từng Bản án.

Như vậy có thể xác định, nhập vụ án trong giai đoạn điều tra do Cơ quan điều tra thực hiện khi việc nhập vụ án đảm bảo được việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, toàn diện nhằm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ Luật định, đồng thời đảm bảo nguyên tắc cơ bản được Bộ luật TTHS  quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

                                                                     Nguyễn Quang Trung
Phòng 7- VKSND tỉnh Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây