- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Qua công tác thanh tra nghiệp vụ tại các đơn vị VKSND cấp huyện, thấy một số vụ án khi có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại điều 456 BLTTHS thì việc áp dụng thủ tục rút gọn của các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất, có những quan điểm và cách vận dụng khác nhau, đó là:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Ngay từ ban đầu, nếu vụ án đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn mà trong giai đoạn điều tra, CQĐT đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, khi kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang VKSND đề nghị truy tố thì VKSND vẫn phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, đồng thời khi VKSND chuyển hồ sơ sang TA thì TA vẫn phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Quan điểm này có một số địa phương đang áp dụng, do vậy khi vụ án đủ điều kiện ngay từ khi khởi tố vụ án, CQĐT đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn rồi nhưng đến giai đoạn truy tố, xét xử thì VKSND và TAND cũng đều ra quyết định giải quyết theo thủ tục rút gọn.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Nếu ngay từ ban đầu, vụ án đã có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn mà trong giai đoạn điều tra, CQĐT đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì giai đoạn tố tụng sau đó (truy tố, xét xử) không phải ra quyết định nữa và Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của CQĐT có giá trị đến cho đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 458 của BLTTHS.
Vấn đề này tôi đồng tình với quan điểm thứ hai và xin trao đổi để các đồng nghiệp tham khảo vận dụng trong thực tiễn, như sau:
Tại Điều 457 BLTTHS năm 2015 quy định Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn:
1. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Thủ tục rút gọn được áp dụng kể từ khi ra quyết định cho đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 458 của Bộ luật này.
3. Trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra không đúng pháp luật thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và gửi cho Cơ quan điều tra.
Theo quy định nêu trên thì cần được hiểu là, khi vụ án có đủ 4 điều kiện giải quyết thủ tục rút gọn quy định tại điều 456 BLTTHS thì:
- Cả 3 cơ quan tiến hành tố tụng: Cơ quan điều tra, VKSND và TAND đều có thẩm quyền ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Vấn đề này cần hiểu là: bất cứ giai đoạn nào (điều tra, truy tố, xét xử), nếu thấy vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì cơ quan thụ lý ở giai đoạn đó có quyền ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; ví dụ: vụ án ở giai đoạn điều tra tuy có đủ điều kiện quy định tại điều 456 như: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Nếu có thể giải quyết nhanh chóng thì CQĐT ra quyết định, nhưng cần phải ủy thác điều tra để thu thập tài liệu chứng minh tiền án, tiền sự…mất nhiều thời gian nên CQĐT không ra quyết định áp dụng rút gọn thì đến giai đoạn truy tố, VKSND ra Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án; hoặc trong giai đoạn truy tố mà vẫn còn vướng mắc chưa áp dụng được, đến giai đoạn chuẩn bị xét xử thấy có đủ điều kiện thì TA ra quyết định áp dụng.
- Thủ tục rút gọn được áp dụng kể từ khi ra quyết định cho đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm (Khoản 1, Điều 457).
- Trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn, nếu một trong các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 456 BLTTHS không còn hoặc vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và giải quyết vụ án theo thủ tục chung (Điều 458 BLTTHS). Như vậy, nếu không có lý do làm mất đi điều kiện rút gọn và không bị hủy bỏ thì quyết định ban đầu còn nguyên giá trị cho đến khi kết thúc xét xử phúc thẩm.
Thực hiện chế định này, chúng ta cần lưu ý, đó là: Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại, người khiếu nại có thể là Bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ; thời hiệu khiếu nại là 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định; thời hạn giải quyết khiếu nại rất ngắn, 03 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại (Khoản 5, Điều 457), do vậy việc ra Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn cần phải cân nhắc kỹ, quyết định chính xác, tránh sai sót, phát sinh khiếu nại.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi để các đồng nghiệp tham khảo./.
Vũ Quang Vinh Thanh tra VKSND tỉnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.