- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Sau khi đọc bài: Một số vấn đề về thủ tục rút gọn trong BLTTHS 2015 của tác giả Vũ Quang Vinh, được đăng trên trang thông tin điện tử ngành kiểm sát Hải Dương ngày 01/6/2018, chúng tôi xin được trao đổi như sau:
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất do tác giải đưa ra. Nội dung quan điểm này như sau: Ngay từ ban đầu, nếu vụ án đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn mà trong giai đoạn điều tra, CQĐT đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, khi kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang VKSND đề nghị truy tố thì VKSND vẫn phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, đồng thời khi VKSND chuyển hồ sơ sang Tòa án để xét xử thì Tòa án vẫn phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Như vậy khi vụ án đủ điều kiện ngay từ khi khởi tố vụ án, CQĐT đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn rồi nhưng đến giai đoạn truy tố, xét xử thì VKSND và TAND cũng đều phải ra quyết định áp dụng theo thủ tục rút gọn.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất vì các căn cứ sau đây:
Một là, theo Điều 457 BLTTHS năm 2015 quy định: “Thủ tục rút gọn được áp dụng kể từ khi ra quyết định cho đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 458 của Bộ luật này”. Theo quy định này thì được hiểu “thủ tục rút gọn” được kéo dài từ khi một trong ba cơ quan (CQĐT, VKS, TA) ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm. Ví dụ: Khi VKS ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì thủ tục rút gọn được tiếp tục áp dụng đến xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm mà không chỉ dừng lại ở giai đoạn truy tố của VKS. Điều luật nói trên không có nghĩa là các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo không phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn;
Hai là, theo Điều 458 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn, nếu một trong các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 456 Bộ luật này không còn hoặc vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và giải quyết vụ án theo thủ tục chung theo quy định tại Bộ luật này ...”
Nếu vụ án có đủ điều kiện chỉ được Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn một lần, đến giai đoạn xét xử sơ thẩm, Tòa án không ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì khi vụ án không còn đủ điều kiện, Tòa án không thể ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn như theo quy định tại Điều 458 nói trên. Đối với quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra đã ban hành, Tòa án không thể hủy bỏ vì Tòa không có thẩm quyền. Tòa án chỉ có thẩm quyền “quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn” của Tòa án đã ban hành theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44 BLTTHS. Như vậy khi vụ án đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì khi hồ sơ vụ án được chuyển đến Tòa án thì Tòa án cũng phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và xét xử theo thủ tục rút gọn, quá trình thụ lý, nếu vụ án không còn đủ điều kiện (Ví dụ bị can bỏ trốn phải tạm đình chỉ) thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn do Tòa án đã ban hành trước đó và giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
Ba là, theo quy định khoản 4 Điều 457 BLTTHS 2015: “Trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Tòa án không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định ...”
Như vậy, khi vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố, đến giai đoạn xét xử không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, tuy nhiên Tòa án vẫn tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn (Tòa án không ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn), thì khi đó Viện kiểm sát không có căn cứ để kiến nghị với Chánh án Tòa án theo quy định tại khoản 4 Điều 457 BLTTHS;
Bốn là, theo Điều 35 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) quy định: “1. Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, Kiểm sát viên thấy có đủ các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát để đề nghị Chánh án Tòa án ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn ...”
Theo quy định trên thì khi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã áp dụng thủ tục rút gọn, đến giai đoạn xét xử sơ thẩm, khi thấy có đủ điều kiện thì Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng để đề nghị Chánh án Tòa án ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Tóm lại, khi vụ án đủ điều kiện, Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn rồi nhưng đến giai đoạn truy tố, xét xử thì VKSND và TAND cũng đều phải ra quyết định áp dụng theo thủ tục rút gọn.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi, rất mong nhận được ý kiến của các đồng nghiệp để việc hiểu và áp dụng pháp luật được thống nhất./.
Nguyễn Quang Hóa VKSND huyện Gia Lộc |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.