- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Một trong những nhiệm vụ công tác của Viện kiểm sát nhân dân là kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền.
Nhận thức sâu sắc vai trò của công tác tiếp công dân
Kiểm sát viên được phân công thực hiện công tác này, cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo tinh thần của Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác này là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Kiểm sát viên phải tích cực chủ động nghiên cứu, nắm vững các quy định mới về công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ở tất cả các lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, thi hành án… nhất là 7 Đạo luật mới về tư pháp vừa được ban hành. Nghiên cứu kỹ các quy định của Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế số 51) để vận dụng vào nhiệm vụ chuyên môn, tránh tư tưởng thụ động, coi nhẹ công tác này.
Tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn kịp thời, chính xác
Đây là bước rất quan trọng, nếu đơn được tiếp nhận kịp thời, việc phân loại xử lý chính xác sẽ là tiền đề và có tính chất quyết định cho việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đúng hay không đúng theo quy định.
Việc tiếp nhận đơn phải được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Quy chế số 51: Đơn gửi đến Viện kiểm sát từ tất cả các nguồn (kể cả đơn gửi đến Lãnh đạo Viện) đều phải được tiếp nhận thống nhất qua một đầu mối là đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để xử lý và quản lý, không tiếp nhận đơn ngoài nơi quy định. Sau khi tiếp nhận đơn căn cứ vào nội dung đơn và đối chiếu với các quy định của pháp luật để phân loại đơn gồm:
+ Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết;
+ Đơn thuộc thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết;
+ Đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết và kiểm sát việc giải quyết;
+ Đơn chưa đủ hoặc không đủ điều kiện thụ lý, từ đó xác định chính xác về thẩm quyền, thời hạn giải quyết theo loại đơn.
Muốn thực hiện có hiệu quả và đảm bảo các quy định của pháp luật đòi hỏi người làm công tác kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp phải có kiến thức hiểu biết về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, hiểu rõ các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính…
Kiểm sát viên phải phân biệt được chính xác là đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn tố giác, hay đơn đề nghị, kiến nghị phản ánh bởi nếu không xác định được chính xác sẽ dẫn đến việc phân loại, xử lý và giải quyết không đúng trình tự, thủ tục, không đúng thẩm quyền…
Phân biệt một số loại đơn cụ thể trong hoạt động tư pháp
Đơn tố giác tội phạm với đơn tố cáo:
Điểm giống nhau giữa đơn tố cáo và đơn tố giác tội phạm là việc cá nhân báo cho cơ quan Nhà nước về việc vi phạm pháp luật, xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân. Riêng người bị tố cáo trong hoạt động tư pháp phải là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, có thẩm quyền tổ chức thi hành án.
Điểm khác nhau là về hành vi vi phạm pháp luật, hành vi bị tố giác phải có dấu hiệu tội phạm và phải được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Đơn khiếu nại với đơn kiến nghị:
Khiếu nại trong hoạt động tư pháp bao gồm khiếu nại trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, thi hành tạm giữ, tạm giam và khiếu nại trong trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Đối tượng của khiếu nại là các quyết định hoặc hành vi và quyền khiếu nại là quyền của cá nhân, tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi hành chính hoặc quyết định, hành vi tố tụng đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại hành vi, quyết định của mình khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Đơn kiến nghị là đơn cho rằng vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền biết nhưng chưa có biện pháp khắc phục hoặc đã khắc phục, đã giải quyết nhưng người ký tên trong đơn cho rằng chưa đúng quy định. Đối tượng của kiến nghị có thể là quyết định, hành vi hoặc có thể là văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, các chủ trương, chính sách…
Khi tiếp nhận phân loại đơn này cần lưu ý bám sát vào những nội dung nêu trong đơn; bản chất sự việc; lĩnh vực tố tụng; chủ thể là người ký tên trong đơn để phân biệt. Có những trường hợp đủ điều kiện để xác định là đơn khiếu nại nhưng lại xác định là đơn kiến nghị, ví dụ: Người ký tên trong đơn là người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định, hành vi tố tụng, song họ không khiếu nại mà chỉ đề nghị xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm và nghĩa vụ của họ.
Phân biệt rõ đối tượng kiểm sát
Viện kiểm sát 2 cấp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền cùng cấp và cấp dưới theo quy định của pháp luật. Cần phân biệt rõ đối tượng kiểm sát không phải là “cơ quan tư pháp” mà là “cơ quan có thẩm quyền” theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 6 và Điều 30 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 nghĩa là những cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đều thuộc đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát, quy định này được mở rộng về đối tượng kiểm sát hơn so với quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2002. Ngoài các cơ quan tư pháp: Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan Thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự. Viện kiểm sát còn thực hiện quyền kiểm sát các cơ quan khác như: Kiểm lâm, Kiểm ngư, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và một số cơ quan trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự cũng là đối tượng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi tiến hành kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được quy định cụ thể tại Điều 30 Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Ngoài ra còn quy định rõ nét tại Điều 18 Quy chế số 51; Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP ngày 10 tháng 08 năm 2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo; Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự; Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Luật tố tụng hành chính..
Xin trao đổi cùng các đồng chí, để thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp./.
Hoàng Anh Tuấn phòng 12 VKSND tỉnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.