Một số ý kiến về nội dung kiến nghị trong bản luận tội tại phiên tòa xét xử các vụ án ma túy

Chủ nhật - 17/06/2018 21:58

Trong những năm qua, tình trạng tội phạm về ma túy có những diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Tệ nạn ma tuý là hiểm hoạ lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khoẻ, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn ma tuý, cần có sự phối hợp của tất cả các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân, trong đó các cơ quan công an, hải quan, b đội biên phòng, cảnh sát biển, viện kiểm sát, toà án và chính quyền các cấp phải là nòng cốt.

 Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử các vụ án ma túy, nội dung tuyên truyền giáo dục,  kiến nghị phòng ngừa thường chưa được chú trọng đúng mức. Mặt khác, nguyên nhân, điều kiện dẫn tới bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong từng vụ án là khác nhau nên kiến nghị của viện kiểm sát tại mỗi phiên tòa phải đảm bảo cơ sở pháp lý và tính thuyết phục đối với từng vụ án cụ thể dẫn đến kiểm sát viên thường gặp khó khăn trong việc kiến nghị trong phòng chống tội phạm ma túy, làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại phiên tòa có nhiều hạn chế. Vì vậy, thiết nghĩ ngành kiểm sát cần có chuyên đề về việc nêu kiến nghị phòng ngừa trong phiên tòa xét xử các vụ án hình sự nói chung và trong các vụ án đối với loại tội phạm về ma túy nói riêng. Trong bài viết này, tôi chỉ xin nêu một số ý về quan điểm cá nhân trong kiến nghị phòng ngừa tại phiên tòa xét xử các vụ án ma túy.

Trước hết, để đưa ra được kiến nghị thì nhất thiết trong quá trình điều tra vụ án phải làm rõ: Nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội, điều kiện hoàn cảnh xảy ra tội phạm, tính chất, mức độ lỗi, nhân thân của người phạm tội.

Mỗi vụ án  người phạm tội có động cơ, mục đích phạm tội khác nhau, vì vậy cần xem xét cụ thể: Các trường hợp phạm tội lần đầu, do gia đình thiếu quan tâm, bị bạn bè xấu rủ rê hay vì vụ lợi, đã được giáo dục nhưng  vẫn tái phạm, tái phạm nguy hiểm;

Mặt khác, nội dung kiến nghị đảm bảo tính pháp lý, giúp người nghe nhận thức đúng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ các quy định của Luật phòng chống ma túy để vận dụng cho từng trường hợp cụ thể, ví dụ:

- Người phạm tội lạm dụng chất gây nghiện hoặc bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo nên lần đầu phạm tội, kiến nghị cần chỉ rõ trách nhiệm của gia đình, tổ chức xã hội, nội dung này đã được quy định tại Điều 6 và Điều 9 Luật Phòng chống ma túy.

- Đối với các trường hợp người phạm tội là học sinh, cần kiến nghị với gia đình, nhà trường trong quản lý, giáo dục theo quy định của Điều 11 Luật Phòng chống ma túy.

- Với các trường hợp đã cai nghiện lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội do nghiện ma túy, cần xác định trách nhiệm của Gia đình, tổ chức xã hội và chính quyền cơ sở, đặc biệt là cơ quan Lao động - xã hội trong việc hỗ trợ sau cai nghiện đã được quy định tại Điều 9 và Điều 39 Luật Phòng chống ma túy.

- Với các trường hợp người phạm tội không có nơi ở cố định, thường xuyên thuê nhà trọ để thực hiện hành vi phạm tội về ma túy (Chủ yếu với loại tội Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy) cần xác định trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là cơ quan Công an trong quản lý hộ khẩu, nắm bắt hoạt động của những người đến tạm trú tại địa phương. Cụ thể là quy định của Điều 30 Luật cư trú.

Ngoài ra, cần quan tâm đến địa điểm phạm tội, ví dụ đối với các trường hợp tội phạm xảy ra ở những “Làng văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” cần kiến nghị với khu dân cư trong giáo dục, phát hiện , ngăn chặn hành vi phạm tội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh trong khu dân cư...

Như vậy, để việc kiến nghị trong luận tội tại phiên tòa có căn cứ pháp lý và tính thuyết phục cao, Kiểm sát viên ngay từ giai đoạn kiểm sát điều tra cần yêu cầu làm rõ các nội dung: Nguyên nhân, điều kiện phạm tội, nhân thân người phạm tội. Nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đấu tranh phòng chống tội phạm để vận dụng phù hợp cho từng trường hợp cụ thể, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục trong phiên tòa xét xử các vụ án ma túy.

                                                                                                    Nguyễn Văn Tưởng
Viện KSND TP. Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây