Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Công tác Văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình. Cán bộ Văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết công việc không đúng....cho nên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác và giữ bí mật, để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Trong tình hình hiện nay, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, đó vừa là lời căn dặn sâu sắc, vừa là kim chỉ nam cho hành động trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ Văn phòng nói chung và cán bộ Văn phòng ngành Kiểm sát Hải Dương nói riêng.
Đối với Ngành Kiểm sát nhân dân, công tác tham mưu tổng hợp là có thể coi là "đầu mối công việc”giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Viện trưởng thống nhất theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND; góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Như vậy, công tác tham mưu tổng hợp có vị trí, vai trò quan trọng, gắn liền với công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Viện. Thông qua nhiệm vụ quản lý, theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động của Viện kiểm sát hai cấp để tham mưu giúp Viện trưởng VKSND về phương hướng, nhiệm vụ công tác, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát.
Tại đơn vị VKSND tỉnh Hải Dương, nhìn chung công tác tham mưu tổng hợp thông qua hoạt động xây dựng báo cáo thường kỳ, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của VKSND tối cao và các cơ quan khác có liên quan đã được thực hiện có chất lượng và hiệu quả. Các báo cáo được xây dựng đảm bảo quy định về hình thức, kỹ thuật trình bày văn bản, bố cục rõ ràng; những nhận định, đánh giá hợp lý, logic và có tính thực tiễn; kịp thời phản ánh đầy đủ, chính xác hoạt động của đơn vị. Qua đó, phục vụ tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Viện trong việc chỉ đạo, triển khai các Kế hoạch, Chương trình công tác cũng như theo dõi, kiểm tra, giám sát, báo cáo Viện kiểm sát cấp trên theo quy định và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Tuy nhiên, qua công tác theo dõi tổng hợp các báo cáo của đơn vị hai cấp vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Việc chấp hành thời hạn gửi báo cáo còn chậm, tuy có yêu cầu báo cáo cụ thể về thời gian nhưng các đơn vị gửi muộn hoặc có đơn vị không gửi báo cáo, chất lượng một số báo cáo chưa đạt yêu cầu do không bám sát đề cương, từ đó dẫn đến việc tổng hợp, xây dựng báo cáo của Văn phòng tổng hợp gặp nhiều khó khăn...
Với vai trò, vị trí của cán bộ làm công tác tham mưu tổng hợp tại Văn phòng tổng hợp VKSND tỉnh Hải Dương, tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu - tổng hợp như sau:
- Thứ nhất, cán bộ làm công tác tham mưu tổng hợp phải chăm chỉ, chịu khó, có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước liên quan đến hoạt động của ngành, nhất là các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp nhằm kịp thời nắm bắt thông tin liên quan đến công tác như: Tiếp cận các văn bản, báo cáo (bao gồm một số văn bản, báo cáo Mật...), dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, các đoàn kiểm tra,... để có thông tin tổng thể, nắm chắc kết quả hoạt động của các khâu công tác và nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Viện.
- Thứ hai, cán bộ được phân công xây dựng báo cáo phải thực hiện tốt phương châm “Nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đầy đủ và hiệu quả”, chấp hành nghiêm Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo trong ngành Kiểm sát nhân dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đòi hỏi cán bộ làm công tác tổng hợp phải nghiên cứu kỹ những văn bản, tài liệu liên quan, tổng hợp những vấn đề từ thực tiễn để xây dựng báo cáo có chất lượng với đầy đủ nội dung, có chiều sâu, đề xuất những giải pháp phù hợp. Đồng thời đơn vị hai cấp khi xây dựng báo cáo phải chính xác về số liệu, đúng yêu cầu về nội dung, thể thức, thời hạn gửi báo để kịp thời tham mưu Lãnh đạo Viện.
- Thứ ba, thường xuyên đổi mới tác phong, lề lối làm việc và phải tự xây dựng kế hoạch làm việc (hàng tuần, tháng) riêng của mình trong đó cần thể hiện rõ nội dung công việc được phân công, thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành để không bỏ sót bất kỳ một văn bản nào được giao tham mưu thực hiện. Bên cạnh đó, cần bám sát thực tiễn, phát hiện các vấn đề mới nảy sinh, đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật; tích cực phối hợp với các sở ngành của tỉnh và các phòng nghiệp vụ, với VKSND cấp huyện trong công tác tham mưu tổng hợp nhằm giải quyết tốt các vấn đề có liên quan.
- Thứ tư, Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp: việc theo dõi số liệu của các đơn vị được lập thành file ecxel cụ thể đối với từng loại báo cáo để thuận tiện cho việc trích xuất, tổng hợp số liệu khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, việc lưu trữ các báo cáo, chuyên đề phải khoa học, đảm bảo tính kế thừa, thuận lợi cho việc tìm kiếm tài liệu.
- Thứ năm , cán bộ làm công tác tham mưu tổng hợp phải thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ; nêu cao ý thức, tinh thần, trách nhiệm; phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Chú trọng công tác tự đào tạo, bồi dưỡng cho công chức nhằm từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác như: chủ động tham mưu tổ chức các hội nghị tập huấn, trao đổi kỹ năng và kinh nghiệm trong công tác văn phòng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó cần phản ánh khó khăn vướng mắc để Lãnh đạo đơn vị tháo gỡ kịp thời./.
|
Nguyễn Hồng Ngọc
Văn Phòng tổng hợp |