- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Ngày 13/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ 90) về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2020; nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 56/2015/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ 56) ngày 09/6/2015 và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP (gọi tắt NĐ 88) ngày 27/7/2017 của Chính phủ.
Xin giới thiệu một số điểm mới của Nghị định 90 về đánh giá, xếp loại công chức:
1. Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng công chức
Khoản 2 Điều 20 NĐ 90 quy định thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng công chức được tiến hành trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và tổng kết công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nghị định 56/NĐ hiện hành quy định thời điểm đánh giá, phân loại CBCCVC được tiến hành trong tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc bình xét thi đua khen thưởng hàng năm (khoản 2 Điều 5 NĐ 56; Điều 1 NĐ 88).
2. Quy định rõ việc không đánh giá chất lượng công chức chưa công tác đủ 6 tháng
Tại Khoản 3 Điều 2 NĐ 90 quy định công chức có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06 tháng thì không thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.
Công chức nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (tức là mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống).
Quy định hiện hành tại NĐ 56, NĐ 88 chưa quy định cụ thể trường hợp này.
3. Hướng dẫn xếp loại hàng năm với công chức nghỉ thai sản
Tại khoản 3 Điều 2 NĐ 90 quy định: công chức nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.
Khi đó, công chức có trách nhiệm làm báo cáo tự đánh giá, nhận mức xếp loại kết quả công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao, gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác để thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng theo quy định tại NĐ 90.
NĐ 56, NĐ 88 chưa quy định cụ thể trường hợp này.
4. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức được sử dụng làm cơ sở để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.
Tại Điều 21, NĐ 90 quy định: “Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên và thực hiện các chính sách khác đối với CBCCVC”.
Tại NĐ56, NĐ 88 chưa quy định việc sử dụng kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.
5. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng công chức sẽ được thực hiện theo bộ tiêu chí mới
Tiêu chí chung (Quy định tại Điều 3, NĐ 90) về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức bao gồm: chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (Quy định tại NĐ 56, NĐ 88 chỉ quy định các căn cứ đánh giá, chưa quy định đánh giá theo bộ tiêu chí chung).
Nổi bật là việc bỏ các tiêu chí liên quan đến sáng kiến, giải pháp, công trình khoa học,... khi đánh giá, xếp loại công chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (Điều 8 NĐ 90), cụ thể như sau:
- Đối với công chức: Không yêu cầu tiêu chí phải "Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong hoạt động công vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền công nhận.".
Quy định cũ tại NĐ 56, NĐ 88 vẫn quy định tiêu chí liên quan đến sáng kiến, giải pháp, công trình khoa học,... khi đánh giá, xếp loại công chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
NĐ 90 đã bãi bỏ quy định tại NĐ 56 về trường hợp công chức không hoàn thành nhiệm vụ do yếu tố khách quan, bất khả kháng thì được xem xét trong quá trình đánh giá, phân loại.
6. Chế độ thông báo kết quả đánh giá công chức
- Thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức:
+ Đối với công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị: Cấp có thẩm quyền đánh giá công chức thông báo bằng văn bản cho công chức và thông báo công khai về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng; quyết định hình thức công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác, trong đó ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử.
+ Đối với cấp phó của người đứng đầu và công chức thuộc quyền quản lý của người đứng đầu: Cấp có thẩm quyền đánh giá thông báo bằng văn bản cho công chức và thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng; quyết định hình thức công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác, trong đó ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử.
Tại khoản 1 Điều 7 NĐ 56 quy định: Kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức phải được thông báo bằng văn bản cho cán bộ, công chức, viên chức sau 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của người hoặc cấp có thẩm quyền đánh giá.
7. Lưu giữ tài liệu đánh giá, xếp loại chất lượng công chức
So với NĐ 56, NĐ 90 đã quy định chi tiết về việc lưu kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức. Cụ thể kết quả đánh giá, xếp loại công chức được thể hiện bằng văn bản, lưu vào hồ sơ công chức, bao gồm: Biên bản cuộc họp nhận xét, đánh giá; phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng công chức; nhận xét của cấp ủy nơi công tác (nếu có); kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức của cấp có thẩm quyền; hồ sơ giải quyết kiến nghị về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức (nếu có); các văn bản khác liên quan (nếu có)./.
Nguyễn Duy Khánh - Phòng 15 (tổng hợp) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.