Những vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp chia thừa kế

Thứ năm - 25/11/2021 01:30

Tranh chấp về chia tài sản thừa kế là loại án dân sự phổ biến, phức tạp, có những vụ tranh chấp thừa kế kéo dài hàng năm. Tính chấp phức tạp của loại án tranh chấp về thừa kế có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng làm cho tranh chấp về chia di sản thừa kế phức tạp là do chủ thể tham gia quan hệ của thừa kế, đối tượng tranh chấp và sự chi phối, ảnh hưởng của các giá trị truyền thống về văn hóa, đạo lý trong gia đình.

Khi kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp chia tài sản thừa kế là phải xác định thời hiệu để yêu cầu chia di sản còn không theo tinh thần của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Án lệ số 26; di sản chính xác có phải nguời để lại thừa kế là chủ sở hữu đích thực tài sản đó hay không, đặc biệt liên quan đến bất động sản. Do những hạn chế của hệ thống pháp luật nước ta trước đây còn thiếu hoặc chưa quy định đầy đủ về thủ tục đăng ký, quản lý tài sản của công dân (đặc biệt là bất động sản), nên việc xác định nguồn gốc di sản thừa kế trong quá trình giải quyết tranh chấp trở nên khó khăn, phức tạp; xác định hàng thừa kế gồm những ai; xác định công sức đối với khối di sản thừa kế, chi phí mai táng phí để xác định di sản còn lại để chia. Đây là những điều cần lưu tâm trong quá trình kiểm sát giải quyết của Tòa án đối với những loại án này nhằm đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình kiểm sát giải quyết nếu ta thấy thiếu những tài liệu chứng cứ cần ban hành yêu cầu thu thập chứng cứ để làm căn cứ giải quyết vụ án được đầy đủ, toàn diện.

Khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án chia thừa kế Toà án thường có những vi phạm phổ biến như sau:

- Xác định hàng thừa kế thiếu dẫn đến đưa thiếu người tham gia tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được hưởng di sản thừa kế.

- Xác định khối di sản thừa kế là bất động sản không đúng ví dụ tính cả đất công do UBND xã quản lý vào là di sản để chia, tính cả đất vườn bị trừ vào đất 03 ngoài đồng của người còn sống; đối với đất có nguồn gốc của người để lại di sản, trong quá trình sinh sống, người để lại di đã chuyển nhượng hoặc tặng cho có hiệu lực theo Án lệ 03, Án lệ 16, hoặc đã di chúc có hiệu lực nhưng vẫn tính là di sản thừa kế.

-  Không xác định công sức duy trì di sản thừa kế mặc dù đương sự yêu cầu;

- Định giá không đúng loại đất;

- Thẩm định không đầy đủ tài sản là di sản thừa kế để lại ;

- Phân chia di sản không đảm bảo quyền lợi của người được hưởng thừa kế. Ví dụ người hưởng di sản thừa kế có nhu cầu lấy đất làm nhà thờ nhưng lại không chia đất cho họ trong khi đó đất đủ để chia.

Trên cơ sở vi phạm được phát hiện qua nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm, Kiểm sát viên đề xuất kháng nghị, nếu vi phạm đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự để đảm việc giải quyết các vụ án tranh chấp chia thừa kế có căn cứ pháp luật, hợp đạo lý.

                                                                                       Phạm Thị Thuỳ
Phòng 9 VKSND tỉnh Hải Dương

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây