Bàn về “Giới hạn của việc xét xử” trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Thứ tư - 17/11/2021 02:33

Tại Điều 298 BLTTHS năm 2015 về giới hạn của việc xét xử quy định:

“1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.”
 

02 bàn về giới hạn xx (mục trao đổi)
 Ảnh minh họa: Phiên tòa xét xử án hình sự

Ngày 18/12/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 505/QĐ-VKSTC, về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (gọi tắt là Quy chế 505). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, thay thế Quyết định số 960/2007/QĐ-VKSTC ngày 17/9/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự. Quy chế 505, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát: Thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội, không làm oan người vô tội, pháp nhân thương mại vô tội; Kiểm sát việc xét xử nhằm kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xét xử, bảo đảm việc xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Tại khoản 2 Điều 21 Quy chế 505 quy định “Tại phiên tòa, sau khi xét hỏi, nếu có căn cứ rõ ràng để rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn; kết luận về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng điều luật làm thay đổi quyết định truy tố hoặc đường lối xử lý đã được lãnh đạo Viện kiểm sát cho ý kiến thì Kiểm sát viên quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát…”.

Như vậy, trong quá trình tham gia xét xử hoặc tùy theo diễn biến tại phiên tòa, Kiểm sát viên nhận thấy bị cáo không phạm vào điểm, khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố nhưng phạm vào điểm, khoản khác nặng hơn trong cùng một điều luật thì Kiểm sát viên có quyền kết luận về khoản nặng hơn (tình tiết định khung tăng nặng) khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố và Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, quy định này là phù hợp, vì nếu Viện kiểm sát không được thay đổi mà vẫn tiếp tục bảo vệ theo khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trước đó thì không phù hợp với quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự  năm 2015 về nguyên tắc xác định sự thật của vụ án; đồng thời cũng phù hợp với quy định tại Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự về giới hạn của việc xét xử. Vì có kết luận về khoản nặng hơn khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật thì cũng nằm trong những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử, do đó không vượt phạm vi giới hạn của việc xét xử và cũng không làm xấu đi tình trạng của bị cáo.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu Tài liệu giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (do V7,  V14 phối hợp thực hiện), theo đó tại Mục 57, Phần tố tụng hình sự, hướng dẫn: “Hội đồng xét xử có quyền áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại khoản 2 Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự để xử lý người phạm tội. Kiểm sát viên có quyền đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết tăng nặng mà không được đề nghị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng do bị giới hạn bởi quy định tại Điều 319 Bộ luật Tố tụng hình sự và khoản 3 Điều 321 Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Hướng dẫn tại Mục 57, Phần tố tụng hình sự nêu trên của Tài liệu giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (do V7, V14 phối hợp thực hiện) là chưa phù hợp với khoản 2 Điều 21 Quy chế 505, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn.

Về nguyên tắc thì phải áp dụng khoản 2 Điều 21, Quy chế 505, nhưng để có sự thống nhất trong nhận thức áp dụng pháp luật, kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất vấn đề nêu trên.

Rất mong nhận được sự quan tâm cũng như ý kiến trao đổi của các anh, chị đồng nghiệp.

                                                                                                Nguyễn Thị Thúy
VKSND TP. Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây