- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Hết thời hạn điều tra không biết bị can, bị cáo ở đâu (bỏ trốn), hoặc đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết luận giám định, hoặc có kết luận giám định tư pháp xác định bị can, bị cáo bị bệnh tâm thần bị mất năng lực nhận thức, điều khiển hành vi sau khi phạm tội và bị áp dụng bắt buộc chữa bệnh…. việc tạm đình chỉ thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 229BLTTHS Tạm đình chỉ điều tra trong giai đoạn điều tra), Điều 247 BLTTHS (Tạm đình chỉ trong giai đoạn truy tố) và Điều 281 BLTTHS (Tạm đình chỉ xét xử).
Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự được quy định như sau:
1. Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra;
b) Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra;
c) Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả
Theo khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi 2021) thì Viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án trong các trường hợp:
- Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ vụ án trước khi hết thời hạn quyết định việc truy tố;
- Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố; trong trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can trước khi tạm đình chỉ vụ án
1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có căn cứ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 229 của Bộ luật này;
b) Không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử; trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can, bị cáo trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can, bị cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật này;
c) Chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị.
Trong những trường hợp tạm đình chỉ nêu trên chỉ có trường hợp không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu thì Cơ quan điều tra mới truy nã bị can, bị cáo. Còn các trường hợp khác đều không truy nã bị can, bị cáo.
Tuy nhiên Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì:
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Với quy định tại khoản 3 Điều 27 BLHS nêu trên: “ Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ” dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau về cách tính thời hiệu TCTNHS:
Có quan điểm cho rằng chỉ trong trường hợp người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì mới không tính thời hiệu TCTNHS, còn ngược lại các trường hợp tạm đình chỉ khác (chữa bệnh bắt buộc, chờ kết luận giám định, cố tình trốn tránh nhưng không bị truy nã...) dẫn đến thời gian điều tra, truy tố , xét xử kéo dài đều tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có quan điểm khác cho rằng: Quy định tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 27 BLHS áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội mà trong thời hạn nhất định người đó không bị phát hiện hoặc có bị phát hiện nhưng chưa bị khởi tố bị can, khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS thì không bị khởi tố nữa. Trường hợp đã bị khởi tố nhưng đã được đình chỉ, thì thời hiệu TCTNHS tính lại từ khi đình chỉ. Quy định đoạn trên của khoản 3 Điều 27 BLHS là thừa vì khi có quyết định truy nã đối với người phạm tội thì người đó đã bị khởi tố bị can tức đã bị truy cứu TNHS thì đương nhiên không được tính thời hiệu TCTNHS nữa.
Cụ thể phân tích tình huống thực tế dưới đây để hiểu rõ hơn về 2 quan điểm trên:
Ví dụ: Năm 2017 Nguyễn Văn A bị khởi tố bị can về tội Đánh bạc theo khoản 1 Điều 248 BLHS năm 1999, A đã bị truy tố, khi Tòa án chưa xét xử thì có nghi ngờ về tình trạng tâm thần của A, Tòa án đã trưng cầu giám định tâm thần đối với A, tại kết luận giám định tư pháp xác định hiện tại A bị bệnh tâm thần mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi ( trong khi thực hiện hành vi có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi) xét thấy A bị bệnh tâm thần, mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi sau khi phạm tội. Tòa án nhân dân đã tạm đình chỉ xét xử, ra quyết định áp dụng bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện tâm thần TW1 đối với A và A đã được đưa đến cơ sở chữa bệnh bắt buộc theo đúng quy định. Quá trình, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hơn 5 năm, Cơ quan tố tụng nhiều lần có văn bản trao đổi với cơ sở chữa bệnh bắt buộc và được trả lời bệnh của A chưa khỏi bệnh.
Vấn đề đặt ra: Sau thời gian trên 5 năm kể từ khi A thực hiện hành vi phạm tội, A vẫn đang bị tạm đình chỉ để chữa bệnh bắt buộc thì có tính vào thời gian để áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A hay không?
Quan điểm thứ nhất: Thời gian bắt buộc chữa bệnh đối với A tính vào thời hạn để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vì cần hiểu “truy cứu trách nhiệm hình sự” được thể hiện kết quả là bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, hình phạt và một số biện pháp cưỡng chế hình sự khác do luật hình sự quy định. Trường hợp này A không cố tình trốn tránh và không bị truy nã, A đang bị tạm đình chỉ để áp dụng bắt buộc chữa bệnh (nếu khỏi bệnh thì tiếp tục phục hồi và xét xử). Tuy nhiên, A phạm tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 248 BLHS 1999 là tội ít nghiêm trọng, đã qua thời hạn 5 năm kể từ khi thực hiện tội phạm, mà không có bản án kết tội đã có hiệu lực đối với A. Áp dụng thời hạn truy cứu TNHS theo khoản 2 Điều 27 BLHS thì đến nay 2023 hết thời hiệu truy cứu TNHS. Toà án đã tạm đình chỉ phải ra quyết định đình chỉ đối với A do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Điều 27 BLHS.
Quan điểm thứ 2: Không tính thời gian áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh vào thời hiệu truy cứu TNHS, vì :
Truy cứu trách nhiệm hình sự là hoạt động áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự của nhà nước ta đối với người phạm tội. Người phạm tội đã bị khởi tố, truy tố tức là đã bị áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự của nhà nước, đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mọi hoạt động thực hiện theo đúng quy định Bộ luật tố tụng hình sự để điều tra, truy tố, xét xử người phạm tội, nên không thể tính vào thời hiệu truy cứu TNHS.
Tuy A không bị truy nã do đang áp dụng bắt buộc chữa bệnh nhưng việc tạm đình chỉ bị can đối với A để bắt buộc chữa bệnh là một hoạt động tố tụng đúng theo quy định BLTTHS. Vì vậy, trường hợp này khi A khỏi bệnh sẽ phục hồi xét xử và bị xử lý theo quy định pháp luật mà không được tính vào thời hạn để áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS.
Quan điểm của tác giả là quan điểm thứ 2 vì xét về lý luận thì người phạm tội ( A) đã bị khởi tố bị can, bị truy tố tức là bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các cơ quan tố tụng đều thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không có lỗi trong việc kéo dài thời gian điều tra, truy tố, xét xử, nên không được hưởng thời hiệu truy cứu TNHS. Mọi hoạt động điều tra, truy tố, xét xử theo quy định BLTTHS trong thực tế như: vụ án có thể kéo dài nhiều năm do vụ án phức tạp trả hồ sơ nhiều lần, tạm đình chỉ do chờ kết quả giám định hay do bắt buộc chữa bệnh… đều không được tính vào thời hạn của thời hiệu truy cứu TNHS.
Đồng thời, về mặt thực tế một số trường hợp kéo dài thời gian điều tra truy tố xét xử do quy định BLTTHS chưa phù hợp. Cụ thể, theo Điều 454 Bộ luật tố tụng hình sự quy định việc chữa bệnh bắt buộc phải “ khỏi bệnh” cơ sở chữa bệnh mới thông báo, để cơ quan tố tụng có thẩm quyền ra Quyết định trưng cầu giám định, làm kéo dài thời gian giải quyết. Trong khi đó, chỉ cần chữa bệnh đến khi A bị hạn chế năng lực nhận thức, điều khiển hành vi ( tức không còn mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi ) là xét xử được A, mà không cần A phải khỏi bệnh như quy định BLTTHS.
Từ những vấn đề vướng mắc bất cập nêu trên Kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền kịp thời hướng dẫn, xem xét sửa đổi BLHS theo hướng:
Thứ nhất: Quy định trong Bộ luật hình sự về khái niệm thế nào là truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì trong BLHS có đề cập nhiều đến khái niệm này nhưng chưa có định nghĩa rõ ràng. Cần quy định: Truy cứu trách nhiệm hình sự là hoạt động áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự của nhà nước như khởi tố, truy tố, xét xử đối với người phạm tội.
Thứ hai: Quy định về Điều 27 BLHS rõ ràng hơn về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: Thời hiệu truy cứu TNHS tính từ khi tội phạm được thực hiện đến ngày Quyết định khởi tố; thời hiệu TCTNHS được tính lại từ khi có Quyết định đình chỉ hoặc từ khi có căn cứ do lỗi của Cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử làm kéo dài thời gian giải quyết.
Thứ 3: Bỏ quy định khoản 3 Điều 27 BLHS: Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Thứ 4: sửa đổi 1 số điều của BLTTHS không phù hợp làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án như quy định về Đình chỉ bắt buộc chữa bệnh theo Điều 454 BLTTHS nêu trên./.
Phạm Thị Yến - P2 VKSND tỉnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.