Vướng mắc khi xử lý tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ

Thứ hai - 22/05/2023 23:17
Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các điều 304, 305, 306, 307 và 308 của Bộ luật Hình sự về các tội liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật (gọi tắt là Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP)có hiệu lực thi hành từ 01/11/2022, tuy nhiên quá trình áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này trong thực tế còn một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:
01 TRAO ĐỔI VƯỚNG MẮC PHÁP LUẬT
01 TRAO ĐỔI VƯỚNG MẮC PHÁP LUẬT

Thứ nhất, vướng mắc khi xác định "Vật phạm pháp có số lượng lớn" theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 304 Bộ luật hình sự:
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022 (có hiệu lực thi hành từ 01/11/2022) hướng dẫn áp dụng các điều 304, 305, 306, 307 và 308 của Bộ luật Hình sự về các tội liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật:
"Vật phạm pháp có số lượng lớn..." quy định tại điểm g khoản 2 Điều 304 BLHS:
a) Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên: từ 03 đến 10 khẩu;
....
đ) Súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu: từ 01 đến 05 khẩu;
e) Súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân: từ 01 đến 02 khẩu;
...
k) Vật phạm pháp khác có số lượng lớn theo quy định của pháp luật.
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi bổ sung năm 2019):
Vũ khí quân dụng bao gồm:
a) Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
.....
b) Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 của Luật này để thi hành công vụ.
Như vậy, đối với những loại vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp... theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì đã được hướng dẫn cụ thể như thế nào là có số lượng lớn. Tuy nhiên đối với những loại vũ khí tự chế tạo, sản xuất thủ công, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp..., thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì không có hướng dẫn cụ thể như thế nào là có số lượng lớn. Trong khi đây mới là các trường hợp thường gặp trong thực tế xử lý loại tội phạm này.
01 TRAO ĐỔI VƯỚNG MẮC PHÁP LUẬT
Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
Thứ hai: vướng mắc khi xử lý hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạtvũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao:
Tại khoản 6 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.
Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP thì: “Vũ khí quân dụng” là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện quy định tại khoản 2 và khoản 6 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.Theo đó, vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao cũng là vũ khí quân dụng.
Vậy trường hợp người có hành vi chế tạo, tàng trữ "vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao" thì sẽ xử lý về tội "Chế tạo, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng", quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự hay xử lý theo quy định tại Điều 306 Bộ luật hình sự?
Tại khoản 1 Điều 306 Bộ luật hình sự: "Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Theo quy định này, người thực hiện hành vi vi phạm nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới phạm tội quy định tại điều 306 Bộ luật hình sự.
Còn nếu áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP thì Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là Vũ khí quân dụng, nên chỉ cần chế tạo, tàng trữ vũ khí loại này là phạm tội quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự.
Như vậy, theo cá nhân tôi thì hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP trong trường hợp này là không phù hợp và bất lợi hơn cho người thực hiện hành vi vi phạm.
Trên đây là một số vướng mắc khi áp dụng Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022 hướng dẫn áp dụng các điều 304, 305, 306, 307 và 308 của Bộ luật Hình sự về các tội liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật. Rất mong nhận được sự trao đổi từ Quý đồng nghiệp và độc giả.
                                                     Cao Thị Thu Trang
VKSND thành phố Chí Linh

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây