Tìm hiểu một số quy định về bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

Thứ hai - 17/05/2021 05:43

Tìm hiểu một số quy định về bầu cử Đại biểu Quốc hội  và Hội đồng nhân dân các cấp

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ diễn ra vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của từng địa phương, được tổ chức vào thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng kết thúc thắng lợi. Để hiểu hơn về cuộc bầu cử năm nay, xin được giới thiệu một số nội dung như sau:

Điều 27 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.

Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực Nhà nước. Thông qua bầu cử, Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy Nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.

Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu được quy định rõ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, cụ thể là:

Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của Luật này (Điều 2 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND).

Tiêu chuẩn của người ứng cử: Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội. Người ứng cử đại biểu HĐND phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND quy định tại Luật tổ chức­ chính quyền địa phương (Điều 3 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND)

Xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp:

Dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu: Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở sau đây: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 03 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là 500 người.

Dự kiến cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội: Căn cứ vào dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội được bầu, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang Nhân dân, cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp Nhân dân trong Quốc hội.

Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.

Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ban thường trực Ủy ban trung ương MTTQViệt Nam, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban thường trực Ủy ban MTTQViệt Nam cấp tỉnh.

Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND: Căn cứ vào số lượng đại biểu HĐND được bầu ở mỗi đơn vị hành chính theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ủy ban nhân dân cùng cấp, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử:

Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Thường trực HĐND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương;

Thường trực HĐND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở cấp mình và thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khóm (sau đây gọi chung là tổ dân phố), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, trong đó bảo đảm có ít nhất 35% phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương;

Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND của Thường trực HĐND ở mỗi cấp được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Thường trực HĐND cấp trên trực tiếp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ủy ban bầu cử cùng cấp.

Theo Hướng dẫn tại Nghị quyết số 1132/NQ-UBTVQH13 ngày 16/01/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị hành chính phải bảo đảm các tiêu chí sau đây:

Bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; Bảo đảm số lượng hợp lý người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương; phấn đấu số đại biểu HĐND được bầu là người dân tộc thiểu số không thấp hơn số đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 là người dân tộc thiểu số ở đơn vị hành chính đó; Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người ngoài Đảng không dưới 10%; người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người dưới 35 tuổi không dưới 15% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND ở từng cấp; Phấn đấu có ít nhất 30% đại biểu HĐND nhiệm kỳ trước tái cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021; Việc phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ở các đơn vị hành chính cấp dưới, các thôn, tổ dân phố cần bảo đảm tương quan hợp lý về dân số giữa các đơn vị này.

Việc phân bổ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND để bố trí làm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được thực hiện căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và phải bảo đảm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể như sau:

Ở cấp tỉnh, Chủ tịch HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; hai Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; mỗi Ban của HĐND cấp tỉnh có ít nhất hai đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách;

Ở cấp huyện, Chủ tịch HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; hai Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; mỗi Ban của HĐND cấp huyện có ít nhất một đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách;

Ở cấp xã, một Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Bỏ phiếu bầu cử là để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính vì vậy, tham gia bầu cử vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của công dân.

                                                                        Dương Thị Duyên
VKSND huyện Bình Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây