- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm trong Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Kế hoạch số 01/KH-VKS ngày 14/01/2021 của Viện KSND tỉnh Hải Dương về công tác kiểm sát năm 2021 là: “Quan tâm bảo vệ quyền con người thông qua kiểm sát giam giữ, thi hành án hình sự…”, Viện KSND huyện Bình Giang đã xác định: Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự để bảo đảm quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ này, đơn vị đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều biện pháp để thực hiện có hiệu quả, đó là:
1. Tiếp tục quán triệt đến công chức trong đơn vị các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, trong đó chú trọng quán triệt các quy định liên quan đến quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
Trên cơ sở quán triệt, nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền bầu cử trong tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, Kiểm sát viên xác định đối tượng được quyền bầu cử gồm: người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ, người tạm đình chỉ thi hành án, người được hoãn thi hành án…
2. Phối hợp với Nhà tạm giữ, Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, Tòa án nhân dân huyện lập danh sách quản lý chặt chẽ số đối tượng được quyền bầu cử nêu trên và cập nhật thường xuyên sự biến động của danh sách.
Chủ động phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc huyện, Hội đồng bầu cử huyện trong việc kiểm sát Nhà tạm giữ lập danh sách cử tri là người đang bị tạm giữ, tạm giam, niêm yết danh sách cử tri và danh sách người ứng cử tại Nhà tạm giữ theo quy định tại Điều 29, Điều 30, Điều 32, Điều 59 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; kịp thời phát hiện những trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có quyền bầu cử nhưng không có tên trong danh sách cử tri và những trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam không được quyền bầu cử để yêu cầu xóa tên khỏi danh sách cử tri.
Phối hợp với Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện rà soát danh sách cử tri do UBND cấp xã lập để bảo đảm quyền bầu cử của người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, người đang tạm đình chỉ thi hành án, người được hoãn thi hành án và loại bỏ khỏi danh sách cử tri những người được tha tù trước hạn có điều kiện chưa chấp hành xong thử thách, người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (nếu có).
3. Khi tiến hành trực tiếp kiểm sát thường xuyên, định kỳ tại Nhà tạm giữ Công an huyện, ngoài kiểm sát chặt chẽ về chế độ quản lý giam giữ, Kiểm sát viên cần chú trọng kiểm sát Nhà tạm giữ trong việc bảo đảm cho người đang bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật, trong đó có quyền bầu cử theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và khoản 5 Điều 29 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, cử tri là người đang bị tạm giữ, tạm giam được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giữ, tạm giam.Kiểm sát chặt chẽ việc phổ biến, hướng dẫn, giải thích cho người đang bị tạm giữ, tạm giam hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, trong đó có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; thông tin về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 ngay từ khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam vào Nhà tạm giữ và trong quá trình quản lý giam giữ. Quá trình kiểm sát phải đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của ngành và của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ảnh minh họa
4. Phân công 01 đồng chí Phó Viện trưởng chỉ đạo trực tiếp và 01 đồng chí Kiểm sát viên có kinh nghiệm kiểm sát Nhà tạm giữ trong việc tổ chức cho người đang bị tạm giữ, tạm giam thực hiện quyền bỏ phiếu bầu cử theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân: Đối với cử tri là người đang bị tạm giữ, tạm giam tại Nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến Nhà tạm giữ để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Yêu cầu Nhà tạm giữ thông báo thời gian tiến hành bỏ phiếu để cử Kiểm sát viên tiến hành trực tiếp kiểm sát việc thực hiện quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam; Kiểm sát viên phải yêu cầu Nhà tạm giữ có phương án bảo đảm an ninh, an toàn trong quản lý giam giữ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn trường hợp lợi dụng việc tổ chức bầu cử để vi phạm nội quy Nhà tạm giữ, gây rối, trốn khỏi nơi giam giữ hay thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
5. Nắm chắc tình hình chấp hành pháp luật trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện; kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo của người bị tạm giữ, tạm giam; nhất là những khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân theo các quy định tại Điều 33, 61, 75, 94 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Quyền bầu cử là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Vì vậy, thực hiện tốt công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự bảo đảm quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Thị Hoa VKSND huyện Bình Giang |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.