- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Qua thực tiễn công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, nhận thấy một số biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác này, xin chiau sẻ để các đồng nghiệp tham khảo:
1. Việc nghiên cứu các quy định của pháp luật
- Muốn tìm hiểu các quy định định của pháp luật về lĩnh vực nào đó thì trước hết phải đọc Luật (hoặc Pháp lệnh) về lĩnh vực đó- hầu hết các lĩnh vực đều có Luật hoặc Pháp lệnh điều chỉnh. Trong công tác kiểm sát việc thi hành tạm giữ, tạm giam thì trước hết phải nghiên cứu Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; trong công tác kiểm sát việc thi hành án hình sự thì phải nghiên cứu Luật thi hành án hình sự; trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự thì phải nghiên cứu Luật thi hành án dân sự.
- Sau đó nghiên cứu theo hướng đi lên: xác định Luật hoặc pháp lệnh được xây dựng trên cơ sở nào của Hiến pháp, dựa theo điều luật nào của các Bộ luật. Ví dụ: Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật thi hành án hình sự được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp và theo một số quy định trong các Bộ luật hình sư, Bộ luật tố tụng hình sự; Luật thi hành án dân sự xây dựng trên cơ sở của Hiến pháp và theo các quy định định của Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự.
- Tiếp theo, nghiên cứu theo hướng đi ngang: xác định Luật hoặc Pháp lệnh áp dụng chính có mối quan hệ gì với Luật hoặc pháp lệnh khác. Ví dụ cả Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật thi hành án hình sự đều quy định nhiệm vụ của Trại tạm giam và Nhà tạm giữ; cả Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đều có quy định về việc người bị tạm giữ, tạm giam có quyền bầu cử, mức độ chi tiết có khác nhau.
- Cuối cùng là nghiên cứu theo hướng đi xuống: xác định Luật hoặc pháp lệnh có những điều nào, quy định Cơ quan nào phải có hướng dẫn cụ thể về nội dung nào. Ví dụ: Điều 197 Luật thi hành án hình sự quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao trong thi hành án hình sự:
"1. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, cơ quan khác có liên quan trong việc ban hành thông tư liên tịch quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án hình sự.
2. Hướng dẫn Tòa án các cấp trong việc ra quyết định thi hành án hình sự..."
Từ đó cần tiếp tục nghiên cứu các Hướng dẫn của TANDTC trong việc ra quyết định thi hành án hình sự, nhất là quy định về mẫu các quyết định về thi hành án hình sự; nghiên cứu và tìm hiểu tiếp TANDTC đã phối hợp với các cơ quan trung ương ban hành bao nhiêu văn bản hướng dẫn áp dụng Luật....
Cách tìm hiểu và thu thập tài liệu: lấy tại cơ quan phát hành và cơ quan được nhận các văn bản đó; nghiên cứu trên các trang thông tin, các bản in của cơ quan nhà nước, có uy tín; tăng cường xem thông tin trên trang thông tin của TANDTC, nghiên cứu phần căn cứ ra các quyết định của các cơ quan tư pháp để phát hiện ra có văn bản mới hoặc hỏi cán bộ các cơ quan tư pháp hoặc đề nghị các đối tượng kiểm sát chứng minh tính có căn cứ của hành vi, quyết định, qua đó cũng có thể phát hiện các văn bản mới.
2. Việc trực tiếp kiểm sát
- Nắm bắt tình hình đối tượng kiểm sát, định hướng tập trung kiểm sát; trong quá trình kiểm sát quan sát kỹ hoạt động, thái độ tâm lý của đối tượng kiểm sát để thực hiện các hoạt động kiểm sát cho phù hợp.
- Chia nhỏ công việc để kiểm sát chặt chẽ, tránh bỏ lọt những hành vi, quyết định vi phạm.
- Phân công hợp lý, KSV nào giỏi hoặc có kinh nghiệm việc gì thì nên phân công kiểm sát việc đó.
- Củng cố chứng cứ để xác định rõ vi phạm, tránh việc khi thông qua dự thảo kết luận, kiến nghị đối tượng kiểm sát trình bày thêm tài liệu chứng minh việc không phải là vi phạm.
3. Việc phát hiện vi phạm:
- Nắm chắc các quy định của pháp luật về từng nội dung đang kiểm sát, nghiên cứu kỹ nội dung kiểm sát, so sánh, đối chiếu xác định nội dung kiểm sát có phù hợp với quy định hay không đồng thời xác định vi phạm. Ví dụ, theo Thông tư số 20/2018 của Bộ công an, Nhà tạm giữ phải lập 18 loại sổ sách khác nhau; khi kiểm sát, cần lập danh sách các loại sổ sách thấy không đủ 18 loại là biết ngay có vi phạm.
- Nhớ rõ các vi phạm phổ biến đã từng xảy ra trong loại hoạt động của đối tượng kiểm sát, đối chiếu với nội dung đang kiểm sát có thể biết nhanh việc vi phạm. Ví dụ, các Cơ quan THADS thường có vi phạm là không thông báo kết quả thi hành án cho sở Tư pháp, do đó khi nghiên cứu hồ sơ THA chỉ cần xem mục lục có thể đã xác định được vi phạm.
- Suy luận: thấy vấn đề đang kiểm sát có điều gì không hợp lý, cần nghiên cứu kỹ, tận cùng của vấn đề để xác định vi phạm; hoặc là từ việc sai này suy ra có thể sai khác, làm rõ vi phạm. Ví dụ, khi kiểm sát UBND xã thấy có nhiều người thi hành án có vi phạm thì cần nghiên cứu kỹ, làm rõ UBND xã có vi phạm trong việc quản lý, phối hợp giáo dục người thi hành án hay không.
Lưu ý: cần nắm chắc khái niệm thế nào là vi phạm, tránh xác định nhầm vi phạm, hành vi đó không cần thiết nhưng pháp luật không cấm thực hiện; hoặc việc xác định nhầm đối tượng vi phạm, ví dụ: xã A có người thi hành án B vi phạm hành chính nên xác định UBND vi phạm.
4. Viết kết luận, kiến nghị
Việc kết luận, kiến nghị phải bảo đảm các yêu cầu: đúng quy định, có căn cứ, ngắn gọn, logic, chính xác, rõ ràng. Có thế mới thể hiện tính nghiêm khắc, tính thuyết phục và tính phòng ngừa vi phạm.
- Đúng quy định: đúng thẩm quyền, đúng mẫu, đúng điều luật, đúng hướng dẫn của cấp trên.
- Có căn cứ: nêu rõ nội dung hành vi hoặc quyết định có vi phạm, xác định nguyên nhân, trách nhiệm.
- Ngắn gọn, logic: nội dung kiến nghị phải viết ngắn gọn, dễ hiểu, không trùng lặp, sắp xếp các đoạn, câu từ logic.
- Chính xác: nêu đúng điều khoản vi phạm, viện dẫn đầy đủ nội dung cần thiết để làm rõ vi phạm. Tránh việc xác định sai điều, khoản, viện dẫn không rõ ràng, không có nội dung bổ sung cho nội dung chính khi cần thiết. Ví dụ: hành vi của Cơ quan X vi phạm vào khoản 1 Điều 16 Luật... có quy định " Nghiêm cấm các hành vi được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 12 của Luật này" nhưng không nêu thêm nội dung quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 12 của Luật.
- Rõ ràng: nội dung kiến nghị phải rõ ràng, nêu rõ những nội dung nào đối tượng kiểm sát phải khắc phục ngay; việc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xem xét xử lý người có trách nhiệm, tùy theo mức độ; nếu vi phạm nhỏ thì không nêu nội dung "xem xét xử lý người có trách nhiệm".
Nguyễn Văn Đoàn – Phòng 8 |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.