- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Tại Kỳ họp thứ 10, ngày 13/11/2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính – Luật số 67/2020/QH14. Có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.
Hình ảnh minh họa (nguồn internet)
Một số điểm mới cơ bản cụ thể như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước theo đó tăng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như: Giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản. Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như: Tín ngưỡng, đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; in ấn; an toàn thông tin mạng; Kiểm toán Nhà nước, cản trở hoạt động tố tụng, đồng thời cũng sửa đổi tên của một số lĩnh vực khác…
Thứ hai, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã được Luật đã sửa đổi, bổ sung tên gọi/bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành do trong thời qua có một số cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy. Ví dụ, một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường…
Bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt thuộc các lực lượng, cơ quan như: Kiểm ngư (Điều 43a); Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Điều 45a); Kiểm toán Nhà nước (Điều 48a)...
Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo hướng: Bên cạnh thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng đã được Luật XLVPHC hiện hành quy định, Luật quy định bổ sung 08 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện. Các chức danh khác ở cấp cơ sở có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền. Quy định như vậy nhằm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, đồng thời bảo đảm quyền lực được giới hạn và kiểm soát, tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thủ tục xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, khả thi như quy định về lập biên bản vi phạm hành chính; quy định về các trường hợp, thời hạn và thủ tục giải trình; quy định về phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính...
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn, giảm, miễn tiền phạt tại Điều 76 và Điều 77 Luật XLVPHC theo hướng bổ sung quy định tổ chức cũng được hoãn, giảm, miễn tiền phạt vi phạm hành chính để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tổ chức/doanh nghiệp khi gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, các trường hợp được hoãn, giảm, miễn tiền phạt để bảo đảm phù hợp với thực tế.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với BLHS; quy định về độ tuổi, số lần vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính... bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.
Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc.
Lưu ý theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 sửa đổi khoản 3 Điều 99 và khoản 3 Điều 103 “ Sau khi người bị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp của họ đọc xong hồ sơ thì hồ sơ được gửi cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện”.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ gửi Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp.”
Bỏ quy định chuyển hồ sơ cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện, thay vào đó quy định: Cơ quan lập hồ sơ đề nghị quy định phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị.
Nguyễn Thị Thanh Thiện (tổng hợp) VKSND Tp Chí Linh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.