- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Ngày 15/5/2018, Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân tối cao đã ký ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân.
Theo đó, nội dung cơ bản của Nghị quyết trên hướng dẫn giải quyết một số tranh chấp sau:
Tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 42/2017/QH14
- Tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là tranh chấp về việc bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không giao tài sản bảo đảm hoặc giao không đúng theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, bên có quyền xử lý tài sản bảo đảm để xử lý tài sản đó nhằm giải quyết nợ xấu.
- Tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là tranh chấp về việc xác định người có quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được giải quyết theo thủ tục rút gọn
- Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 42/2017/QH14.
- Trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, nếu có đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 mà tài sản bảo đảm đó là tài sản của vợ chồng thì Tòa án có thể tách yêu cầu của đương sự đó để giải quyết bằng một vụ án khác theo thủ tục rút gọn.
- Tòa án áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự có liên quan và hướng dẫn của Nghị quyết này để giải quyết các tranh chấp hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 của Điều 3 của Nghị quyết này.
Về thỏa thuận nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tranh chấp “không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài” theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 42/2017/QH14
- Thỏa thuận về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 có thể được ghi nhận trong hợp đồng bảo đảm, phụ lục hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản khác có hiệu lực như hợp đồng.
- Tranh chấp “không có đương sự cư trú ở nước ngoài” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 là tranh chấp không thuộc các trường hợp sau: Đương sự là người Việt Nam nhưng không cư trú ở Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý đơn khởi kiện. Tòa án xác định việc cư trú của đương sự theo quy định của Luật Cư trú; Đương sự là người nước ngoài không thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý đơn khởi kiện. Tòa án xác định việc thường trú hoặc tạm trú của người nước ngoài theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Đương sự là tổ chức nước ngoài theo quy định tại khoản 26 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp mà không ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân ở Việt Nam khởi kiện, tham gia tố tụng.
- Tranh chấp “không có tài sản tranh chấp ở nước ngoài” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 là tranh chấp mà không có tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự ở ngoài lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý đơn khởi kiện.
Về tài sản bảo đảm theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết số 42/2017/QH14
- Trường hợp tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đã bị Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đang trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản.
- Trường hợp tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là tài sản của bên thứ ba mà bên được bảo đảm là doanh nghiệp, hợp tác xã đã bị Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đang trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm đó và xử lý theo quy định của pháp luật hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền giải quyết trong quá trình giải quyết phá sản theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết trên có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018.
Nguyễn Kiên Cường (tổng hợp) Phòng 10 - VKSND tỉnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.