Những thành tựu nổi bật trong 70 năm công tác thi hành án dân sự

Thứ tư - 29/06/2016 20:54
(Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm thành lập ngành thi hành án dân sự)
1. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế      
Giai đoạn 1946 -1992: Giai đoạn này Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân đã tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành và tự ban hành theo thẩm quyền 30 văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Từ 1993 đến nay, Cục Quản lý Thi hành án dân sự trước đây và Tổng cục Thi hành án dân sự hiện nay đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự  và 54 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008, gồm: 04 Nghị định của Chính phủ, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 20 Thông tư, 18 Thông tư liên tịch, 04 Quy chế phối hợp liên ngành, 03 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, 01 Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, 05 Quyết định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành quy phạm nội bộ trong hệ thống tổ chức thi hành án dân sự; mặt khác vẫn áp dụng 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành trước khi có Luật Thi hành án dân sự. Các quy phạm pháp luật nêu trên đã điều chỉnh cơ bản các lĩnh vực của công tác thi hành án dân sự, từ tổ chức bộ máy, trình tự, thủ tục thi hành án, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác thi hành án dân sự, kiểm sát, giám sát hoạt động thi hành án dân sự ..., góp phần tạo điều kiện cho công tác thi hành án dân sự được thuận lợi và minh bạch, đến nay, hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự đã tương đối đầy đủ, hoàn chỉnh, rõ ràng, đáp ứng được yêu cầu của công tác thi hành án dân sự, đồng thời thể chế hóa cơ bản những định hướng của Đảng về phát triển ngành Thi hành án dân sự trong tình hình mới.
2. Kiện toàn hệ thống tổ chức, cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự
Từ tháng 6 năm 1993 trở về trước, công tác thi hành án dân sự do Toà án nhân dân các cấp đảm nhiệm, Toà án vừa làm nhiệm vụ xét xử, vừa trực tiếp tổ chức thi hành án (trừ Toà án nhân dân tối cao). Tại kỳ họp thứ nhất ngày 6/10/1992, Quốc hội Khóa IX đã ban hành Nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ, đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993 làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống cơ quan thi hành án dân sự và hình thành cơ chế quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự và tổ chức thi hành án dân sự.
Từ 2004 - 2008, các cơ quan thi hành án dân sự đã có những thay đổi căn bản về tên gọi và vị thế. Từ 2009 đến nay là giai đoạn có nhiều đổi mới quan trọng trong công tác tổ chức bộ máy. Cơ quan Thi hành án dân sự gồm có: Tổng cục Thi hành án dân sự, 63 Cục Thi hành án dân sự và 710 Chi cục Thi hành án dân sự.
Tháng 7/1993, các Toà án địa phương chính thức bàn giao công tác thi hành án sang các cơ quan thuộc Chính phủ với số lượng 1.126 người, trong đó có 700 Chấp hành viên. Phần lớn số cán bộ ở thời điểm bàn giao chưa bảo đảm đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định, đặc biệt có nơi không có cán bộ thi hành án để bàn giao, cán bộ có trình độ pháp lý bổ sung cho cơ quan thi hành án ở thời điểm đó không nhiều, nhất là các tỉnh miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ (có chỉ tiêu biên chế nhưng không tuyển được người). Đến hết năm 2002, các cơ quan thi hành án dân sự trong toàn quốc có 4.357 công chức trên tổng số 5.183 biên chế được phân bổ (trong đó có: 1.920 Chấp hành viên với 306 Chấp hành viên cấp tỉnh, 1.614 Chấp viên cấp huyện và 2.437 công chức làm nghiệp vụ). Trong số 4.357 công chức thì có 2.929 người có trình độ đại học; 582 người có trình độ cao đẳng; 102 người có trình độ cử nhân chính trị; 410 người có trình độ trung cấp chính trị... Hầu hết các Chấp hành viên đã qua các khoá đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, quản lý nhà nước.
Từ 2004 - 2008 là giai đoạn vừa nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên vừa tiếp tục hoàn thiện cơ cấu ngạch công chức các cơ quan thi hành án dân sự. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nên đến năm 2008, cả nước có 8.308 biên chế, trong đó có 2.801 Chấp hành viên (gồm 387 Chấp hành viên cấp tỉnh và 2.414 Chấp hành viên cấp huyện); 64 Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và 676 Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện.
Từ 2009 đến nay cũng là giai đoạn có nhiều đổi mới quan trọng trong công tác cán bộ, kể cả sự thay đổi cơ cấu các chức danh tư pháp thuộc Hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án dân sự trong tình hình mới. Chấp hành viên được bổ nhiệm theo ba ngạch sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Ngoài ra, chức danh Thư ký thi hành án dân sự cũng được bổ sung mới ở giai đoạn này để giúp Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ hiệu quả. Tính đến hết ngày 30/9/2015, các cơ quan Thi hành án dân sự đã thực hiện được 9.681/9.957 biên chế. Cả nước hiện có tổng số 4.128 Chấp hành viên, 607 Thẩm tra viên, 1.731 Thư ký thi hành án. Các cơ quan thi hành án trong Quân đội đã thực hiện điều động công tác đối với 02 đồng chí, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án đối với 06 đồng chí; đồng thời, tiếp tục bổ sung đội ngũ Chấp hành viên và Thẩm tra viên, hiện có tổng số 36 Chấp hành viên và 25 Thẩm tra viên.
3. Kết quả thi hành án tăng cả về số việc và tiền       
- Tổng số việc thụ lý giai đoạn 1993-2003 là 1.727.927 việc. Đã giải quyết xong là 1.439.673 việc/1.727.927 việc. Riêng năm 1993 đã giải quyết xong 54.358 việc trong tổng số 119.675 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 45%; đến năm 2003 đã giải quyết xong 186.721 việc trong tổng số 304.179 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 61% (tăng 16% so với năm 1993).
- Tổng số việc thụ lý giai đoạn 2004 - 2008 là 1.696.716 việc, Đã giải quyết xong là 1.381.768 việc/1.696.716 việc. Riêng năm 2004, năm đầu tiên triển khai thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 đã giải quyết xong là 213.278 việc trong tổng số 339.424 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 63%; Năm 2008 đã thi hành xong 355.757 việc trong tổng số 462.294 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 77% (tăng 14% so với năm 2004, tăng 32% so với năm 1993).
- Tổng số việc thụ lý giai đoạn 2009 - 2012 là 1.804.381 việc, đã giải quyết xong là 1.592.549 việc/1.804.381 việc. Kết quả thi hành về việc so với số có điều kiện giai đoạn này tăng mạnh, nhất là từ năm 2009 trở lại đây (sau thời điểm Luật Thi hành án dân sự 2008 có hiệu lực). Cụ thể: năm 2009, đã thi hành xong 351.143 việc trong tổng số 430.026 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 82%;  Năm 2012, thi hành xong 390.725 việc trong tổng số 439.127 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 89% (tăng 7% so với năm 2009, tăng 26% so với năm 2004, tăng 44% so với năm 1993).
Từ năm 2013 hệ thống cơ quan thi hành án dân sự tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu về thi hành án dân sự theo các Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án và đã đạt được những kể quả tích cực (Năm 2013: Đã thi hành xong 492.975 việc, đạt tỷ lệ 86,53%; Năm 2014: Đã thi hành xong 531.095 việc, đạt tỷ lệ 88,47%; Năm 2015: Đã giải quyết xong 533.985 việc, đạt tỷ lệ 89,08%).
4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường
Tại thời điểm tháng 7/1993 khi bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án sang thì cơ sở vật chất như: Trụ sở, phương tiện làm việc hầu như không có gì để bàn giao vì bản thân Tòa án thời điểm đó cũng hết sức khó khăn, thiếu thốn. Ngay sau khi tiếp nhận bàn giao, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện đã quan tâm bố trí ngay trụ sở làm việc cho các cơ quan thi hành án, nhưng đây chỉ là sự khắc phục trước mắt, tạm thời để đảm bảo cho các cơ quan thi hành án đi vào hoạt động, đại bộ phận các Phòng, Đội thi hành án chưa có nơi làm việc riêng, kho tang vật vẫn phải gửi nhờ kho của Toà án. Từ năm 2002-2005, việc đầu tư trang thiết bị và phương tiện làm việc cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương được thực hiện theo Đề án “Đầu tư trang bị phương tiện làm việc cho Bộ Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương giai đoạn 2002-2005” với tổng kinh phí là 41.947 triệu đồng.
Từ năm 2006-2008, việc đầu tư trang thiết bị và phương tiện làm việc cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương được thực hiện theo Đề án “Đầu tư trang bị phương tiện làm việc cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp giai đoạn 2006-2010”. Về cơ bản, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã được trang bị các trang thiết bị, phương tiện làm việc thiết yếu để phục vụ công tác như: các phương tiện đi lại (xe ô tô, xe ô tô chuyên dùng, xe máy); các trang thiết bị, phương tiện làm việc (máy vi tính, máy in, máy photocopy, máy fax,…); các công cụ, phương tiện hỗ trợ công tác thi hành án (loa pin cầm tay, máy ảnh, máy ghi âm, gậy điện).
Từ năm 2009 đến nay cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư, đổi mới căn bản. Tính đến năm 2015, trong tổng số 773 cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã có 722 đơn vị được đầu tư xây dựng trụ sở (60 trụ sở cấp tỉnh và 662 trụ sở cấp huyện) và 239 đơn vị được đầu tư xây dựng kho vật chứng (55 kho vật chứng cấp tỉnh và 184 kho vật chứng cấp huyện), hầu hết công chức được trang bị máy tính làm việc, các Cục Thi hành án dân sự tỉnh và một số Chi cục Thi hành án dân sự được trang bị đầy đủ phương tiện làm việc với trên 320 xe ô tô và 1.240 xe máy các loại để phục vụ công tác và cưỡng chế, vận chuyển tang vật. Các cơ quan thi hành án dân sự được trang bị công cụ hỗ trợ phù hợp với đặc thù hoạt động nhằm mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự.
Bộ Quốc phòng cũng quan tâm thực hiện việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bố trí kinh phí, trang thiết bị hoạt động cho các cơ quan thi hành án dân sự trong Quân đội, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng nội dung, mục đích các chỉ tiêu ngân sách được giao, đáp ứng kịp thời cho hoạt động chuyên môn.
5. Chế định Thừa phát lại chính thức thực hiện trên phạm vi toàn quốc
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trên cơ sở Sắc lệnh ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chế định Thừa phát lại (sau đây gọi tắt là TPL) tiếp tục được duy trì. Theo các quy định pháp luật giai đoạn đó, thẩm quyền tổ chức thi hành án dân sự của TPL thể hiện quyền lực Nhà nước và được bảo đảm bằng sức mạnh quyền lực của Nhà nước. Ở miền Nam, chế định TPL còn tồn tại dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn cho tới năm 1975. Nhìn chung, TPL trong thời kỳ Pháp thuộc và dưới chính quyền Sài Gòn trước đây đều có nhiệm vụ: Thông báo tòa khai mạc và bế mạc, gọi các đương sự, nhân chứng, thi hành lệnh giữ trật tự tại Tòa (tại các phiên toà); Tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án, lập các vi bằng theo quy định của pháp luật, phát mại động sản hay bất động sản và trực tiếp thi hành các bản án, quyết định của tòa án (ngoài phiên toà). Sau năm 1954, ở Miền Bắc và sau năm 1975 ở Miền Nam, vì nhiều lý do khác nhau, Nhà nước ta không tiếp tục duy trì chế định TPL. Việc tống đạt các văn bản, giấy tờ do chính cơ quan Thi hành án và Toà án thực hiện. Việc tổ chức thi hành các phán quyết về dân sự của Toà án giao lại cho hệ thống cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước.
Sự trở lại của TPL bắt đầu khi được đề cập đến trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: “Nghiên cứu chế định TPL, trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”. Thể chế hóa chủ trương trên của Đảng, tại Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự đã quy định việc thực hiện thí điểm chế định TPL. Từ năm 2010, các Văn phòng TPL đã được thành lập và đi vào hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 2 năm thực hiện, tháng 8/2012, Chính phủ đã tổng kết, báo cáo Quốc hội. Trên cơ sở kết quả thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2013 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL tại 13 địa phương.
Cả nước hiện có 53 Văn phòng Thừa phát lại với 134 Thừa phát lại, 295 Thư ký nghiệp vụ và 214 nhân viên. Về kết quả, tính đến ngày 30/9/2015, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 939.544 văn bản, lập 42.911 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 885 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc, đạt tổng doanh thi gần 136 tỷ đồng. Các Văn phòng Thừa phát lại được thành lập, đăng ký hoạt động cơ bản đáp ứng điều kiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ; nhiều Văn phòng được đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc tốt. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các Văn phòng Thừa phát lại đã ổn định về tổ chức và hoạt động, kết quả hoạt động khá tốt, có những lĩnh vực đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực trong xã hội (lĩnh vực lập vi bằng), được người dân, xã hội đánh giá cao.
 Ngày 26/11/2015 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về việc thực hiện chế định Thừa phát lại, Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016. Nghị quyết đã ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội; chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016; giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi hành nghề theo quy định hiện hành, có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động Thừa phát lại và chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo nghề Thừa phát lại. Các tổ chức Thừa phát lại được thành lập theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Quốc hội ban hành Luật Thừa phát lại.
Việc thực hiện chính thức chế định Thừa phát lại ở nước ta theo Nghị quyết số 107/2015/QH13 là cần thiết, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, thực tiễn và chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, cũng như phù hợp với xu thế chung của các nước có truyền thống luật thành văn như nước ta. Nghị quyết đã chính thức cho ra đời một nghề mới trong thị trường dịch vụ pháp lý, tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng. Nghị quyết cho thực hiện chính thức chế định này đã khắc phục một số tồn tại, hạn chế mà trước đây trong giai đoạn thí điểm gặp phải; góp phần thực hiện tốt hơn chế định này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây