Một số điểm nổi bật của Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011- 2016)

Thứ tư - 23/03/2016 03:42

Một số điểm nổi bật của Quốc hội khóa XIII  (nhiệm kỳ 2011- 2016)

Ngày 22/5/2016 tới đây cử tri trên cả nước sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Nhìn lại nhiệm kỳ khóa 13 với những đổi mới về cách thức hoạt động nhất là trong hoạt động chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn cùng với cơ sở vật chất được hoàn thiện Quốc hội Việt Nam khóa 13 đã thể hiện được đúng vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về những hoạt động cơ bản của Quốc hội khóa 13, người viết mạnh dạn khái lược trên cơ sở sưu tầm tài liệu để quý đồng nghiệp và đọc giả cùng tham khảo.
          Quốc hội Việt Nam nhiệm kỳ khóa XIII (2011 – 2016)
- Bầu cử ngày 22 tháng 5 năm 2011
- Tổng số đại biểu: 500
Cơ cấu thành phần của Quốc hội như sau:
+ Trung ương                                    : 33,40%
+ Địa phương                                    : 66,60%
+ Đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu   : 66,60%
+ Dân tộc thiểu số                              : 15,60%
+ Phụ nữ                                           : 24,40%
+ Đại biểu ngoài Đảng                         : 8,40%
+ Đại biểu khóa XII tái cử                    :33,40%
+ Đại biểu tự ứng cử                          : 0,80%
+ Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi)          : 12,40%
+ Đại biểu có trình độ trên đại học       : 45,80%
+Đại biểu có trình độ đại học              : 52,40%%
+ Đại biểu thuộc khối doanh nghiệp     :4,26%                 
+ Tôn giáo                                         : 2,84%
Đây là lần đầu tiên cử tri cả nước với trách nhiệm và lòng yêu nước nồng nàn đã tích cực tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 trong cùng một ngày với quy mô lớn. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp với 99,51% cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết quả này đã khẳng định bước tiến mới trong quá trình sinh hoạt dân chủ của nước ta, thể hiện rõ ý thức chính trị, trách nhiệm công dân, trình độ dân trí, sự gắn bó và niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước ta.
Hình ảnh Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 khai mạc tại Ba Đình- Hà Nội
 
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm 17 thành viên do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 12 ủy viên. Sau đó, tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã bầu bổ sung thêm 1 ủy viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nâng số thành viên của cơ quan này lên thành 18 thành viên.
Quốc hội cũng đã thành lập Hội đồng quốc phòng và an ninh; thành lập Hội đồng dân tộc và 9 uỷ ban của Quốc hội gồm: Uỷ ban pháp luật,Ủy ban tư pháp, Uỷ ban kinh tế, Ủy ban tài chính và ngân sách, Uỷ ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Uỷ ban về các vấn đề xã hội; Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường; Uỷ ban quốc phòng và an ninh, Uỷ ban đối ngoại. Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn duy trì 3 cơ quan chuyên môn trực thuộc, đó là: Ban công tác đại biểu, Ban dân nguyện và Viện nghiên cứu lập pháp.
Được bầu ra và hoạt động trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi cơ bản những cũng không ít khó khăn thách thức, Quốc hội khóa XIII có vinh dự và trách nhiệm lớn trong việc kế thừa và phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, bám sát đường lối,chủ trương của Đảng và thực tiễn sinh động của cuộc sống, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên Quốc hội cùng nhân dân cả nước thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội được bổ sung, phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ 11 năm 2011. Đến tháng 10 năm 2015, Quốc hội khóa XIII đã trải qua 9 kỳ họp với nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
- Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã đánh dấu lần đầu tiên Quốc hội đã ban hành nghị quyết về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 3, sau khi xem xét Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Các giải pháp đổi mới được tập trung vào 7 nội dung cơ bản gồm: hoạt động lập pháp; hoạt động giám sát; quyết định các vấn đề quan trọng; tổ chức kỳ họp Quốc hội; tổ chức phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; công tác bảo đảm phục vụ hoạt động của Quốc hội. Các giải pháp này đã được triển khai áp dụng và đã chứng tỏ những hiệu ứng tích cực trên thực tế. Nhiều giải pháp được đề cập trong Nghị quyết số 27/2012/QH13 đã được thể chế thành các quy định trong Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội cũng đã có nhiều đổi mới để tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội với cử tri, các đại biểu Quốc hội gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri. Điều này được thể hiện qua việc Quốc hội đã có nhiều cơ chế để cử tri có thể đóng góp ý kiến vào các quyết định của Quốc hội như đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri, đăng tải dự thảo để cử tri đóng góp ý kiến trên trang Dự thảo Online; có cơ chế đối thoại giữa cử tri và đại biểu Quốc hội; tăng cường số lượng các phiên họp của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Đặc biệt, các ý kiến, phản ánh của cử tri đã được Quốc hội quan tâm và phản hồi nhanh chóng. Ví dụ nổi bật nhất là việc Quốc hội đã kịp thời ban hành nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động (Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội) ngay sau khi có ý kiến của một bộ phận cử tri có quyền và lợi ích liên quan.
Về cải tiến, đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy giúp việc
Cùng với sự đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy giúp việc của Quốc hội cũng là một trong những trọng tâm trong nhiệm kỳ này. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 1 tháng 10 năm 2003 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 ngày 10 tháng 7 năm 2013 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 471/2003/NQ-UBTVQH11. Theo quy định của Nghị quyết này, Văn phòng Quốc hội đã được tổ chức lại theo hướngđổi mới mô hình tổ chức bộ máy giúp việc theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, hợp lý; phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng; có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm không chồng chéo và phân tán nguồn lực để tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khai mạc kỳ họp thứ 10
 
Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả nghiên cứu về đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc, tham khảo kinh nghiệm của nghị viện các nước trên thế giới và trên cơ sở yêu cầu hội nhập quốc tế, trong quá trình xây dựng Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, Quốc hội cũng đã quyết định thành lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác. Việc thành lập chức danh Tổng thư ký là bước phát triển mới, khẳng định tầm quan trọng của bộ máy giúp việc của Quốc hội trong việc góp phần vào những thành công trong hoạt động của Quốc hội. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng đánh dấu sự vươn lên vượt bậc trong công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội. Đó là sự ra đời của Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam là một kênh tin tức chuyên biệt trên truyền hình về Quốc hội, thường xuyên cung cấp những thông tin, tình hình hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tới công chúng, cử tri trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Cổng thông tin điện tử của Quốc hội cũng đã được xây dựng để tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức của Quốc hội trên internet, kết nối mạng thông tin của Quốc hội với các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, tổ chức và hoạt động của báo Đại biểu nhân dân, là tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri cũng được kiện toàn. Nhiều hoạt động, chương trình thông tin công chúng của Quốc hội cũng được tổ chức để đưa thông tin về tổ chức và hoạt động của Quốc hội đến với người dân như các triển lãm về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các chương trình thăm quan Tòa nhà Quốc hội, chương trình Quốc hội trẻ v.v...
- Về hoàn thiện cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của Quốc hội
Trong lịch sử, vì điều kiện khách quan nên Quốc hội Việt Nam đã tổ chức các kỳ họp của mình ở nhiều địa điểm khác nhau. Quốc dân Đại hội Tân Trào, tiền thân của Quốc hội Việt Nam, được tổ chức tại Đình Tân Trào, Tuyên Quang. Các kỳ họp sau đó được lần lượt được tổ chức ở các địa điểm khác nhau gồm Nhà hát lớn Hà Nội, chiến khu Việt Bắc, Hội trường Ba Đình và Hội trường của Bộ Quốc phòng. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đánh dấu sự hoàn thành và đưa vào vận hành Tòa nhà Quốc hội, Hội trường Ba Đình mới. Từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng như nhiều hoạt động khác của Quốc hội được tổ chức tại Tòa nhà Quốc hội, Hội trường Ba Đình mới. Đây là công trình hiện đại, tạo điều kiện phục vụ tối đa cho các hoạt động của Quốc hội và góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội. Đồng thời, việc đưa công trình nào vào sử dụng cũng đã tạo điều kiện để công chúng có thể vào thăm quan, dự thính các phiên họp toàn thể của Quốc hội, tìm hiểu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đưa Quốc hội trở nên gần gũi hơn với quần chúng nhân dân. Bên cạnh Tòa nhà Quốc hội, trong nhiệm kỳ này, nhiều công trình, cơ sở vật chất khác cũng đã được đưa vào hoạt động để kịp thời phục vụhoạt động của Quốc hội, góp phần đưa hoạt động của Quốc hội lên một tầm cao mới.
Tóm lại, với nhiều nỗ lực đổi mới, trong nhiệm kỳ khóa XIII,Quốc hội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, cùng với nhân dân cả nước vượt qua nhiều khó khăn để đạt được nhiều mục tiêu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập với cộng đồng quốc tế. Những thành tựu đó là những điểm nhấn để kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam, đánh dấu quá trình xây dựng và trưởng thành của Quốc hội đồng hành cũng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây