Hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội khóa 13

Thứ tư - 23/03/2016 03:47

Hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội khóa 13

Thành tựu lớn nhất trong hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa 13 là việc Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vào ngày 28 tháng 11 năm 2013, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), với 486 đại biểu, tương đương 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Bản Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều, thể hiện nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; bố cục hợp lý, chặt chẽ và khoa học, bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, có tính ổn định lâu dài.
Đây là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo ra động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (được bổ sung, phát triển vào năm 2011). Hiến pháp năm 2013 cũng thể hiện rõ tinh thần đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao và được đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu trong Hiến pháp 2013. Đó vừa là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo; vừa thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Hiến pháp cũng khẳng định các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định các nguyên tắc cơ bản để hoàn thiện, đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước; bảo đảm sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước; giao cho Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cấp chính quyền địa phương đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quản lý đất nước.


Đặc biệt, quá trình xây dựng Hiến pháp đã có sự tham gia, đóng góp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp quần chúng nhân dân. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân. Các cơ quan, tổ chức, địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng, đã tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân một cách khẩn trương, đồng bộ, dân chủ, rộng khắp. Kết quả đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Điều đó cho thấy bản Hiến pháp được thông qua lần này là kết quả của một quá trình làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy của các đại biểu Quốc hội, của đồng bào cử tri ở trong nước và ngoài nước, của các đơn vị, các ngành, các cấp và của cả hệ thống chính trị. Hiến pháp đã kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Ðảng, toàn dân, thể hiện tinh thần đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã tích cực thực hiện hoạt động lập pháp, thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, từng bước xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, tạo ra khung pháp lý cho việc hình thành và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho đến hết kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2015), Quốc hội khóa XIII đã thông qua được 85 văn bản luật, bộ luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua được 10 văn bản pháp lệnh. Nhiệm kỳ này cũng đã đánh dấu kỷ lục số lượng văn bản luật, nghị quyết có chứa quyphạm pháp luật được Quốc hội thông qua tại một kỳ họp. Đó là vào kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vừa qua, Quốc đã thông qua 11 văn bản luật và 1 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.
Quốc hội thông qua Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân
 
Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội cùng Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác đã khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định, tinh thần của Hiến pháp mới. Theo Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự kiến có 89 dự án luật, pháp lệnh cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, tập trung cao điểm vào các năm 2014 - 2016, bao gồm 4 nhóm dự án luật, pháp lệnh về: (1) Tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế trong hệ thống chính trị; (2) Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; (3) Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; (4) Bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh. Tính đến tháng 9 năm 2015, về cơ bản Quốc hội đã hoàn thành việc xây dựng các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo quy định của Hiến pháp mới, với tinh thần tôn trọng Nhà nước pháp quyền, nền dân chủ nhân dân.
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo tại kỳ họp Thứ 8 Quốc hội khóa 13
 
Quốc hội cũng đã dành sự quan tâm thích đáng trong thảo luận, cho ý kiến và thông qua các dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi), Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ Luật hình sự (sửa đổi), Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Trưng cầu ý dân và một số luật khác nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tư pháp theo quy định của Hiến pháp, định hướng cải cách tư pháp; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường...
Có thể nói với việc thông qua và cho thi hành Hiến pháp năm 2013 đã đánh dấu sự lớn mạnh to lớn của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật hoàn chỉnh góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây