Thực trạng ly hôn hiện nay trên địa bàn huyện Thanh Miện và một số giải pháp

Thứ năm - 18/06/2015 04:57

Thực trạng ly hôn hiện nay trên địa bàn huyện Thanh Miện và một số giải pháp

          Một nhà nghiên cứu viết rằng: “ Ly hôn là cuộc khủng hoảng của sự biến đổi gia đình gây ra những thay đổi bên trong hệ thống gia đình. Khủng hoảng trong đời sống gia đình không như những khủng hoảng khác, ly hôn không diễn ra đột ngột, mà nó thường bắt đầu bằng một thời kỳ trong đó sự xung đột, bất hoà giữa vợ chồng tăng lên và giảm đi sự thoả mãn, hài lòng về hôn nhân của các bên” . Việc ly hôn của cha mẹ chính là nỗi bất hạnh của những đứa con, những đứa trẻ sẽ thiếu sự chăm sóc, nuỗi dưỡng, giáo dục về vật chất và tinh thần của bố mẹ, ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển nhân cách và tương lai sau này như sa ngã vào các tệ nạn xã hội, phạm tội...Vì vậy hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã  hội.
Ảnh minh họa
 
          Từ ngàn đời nay gia đình luôn là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người. Chính vì vậy vai trò, vị trí của gia đình ngày càng được quan tâm và đề cao trong xã hội. Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của họ với nhau theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
           Thực trạng hôn nhân đang là một vấn đề đặt ra trong xã hội chúng ta nói chung và ở huyện Thanh Miện nói riêng, giải quyết hậu quả của việc ly hôn đang được sự quan tâm của các cấp chính quyền ở địa phương. Trong những năm gần đây ở huyện Thanh Miện số vụ án về ly hôn không ngừng tăng, nguyên nhân, tính chất của các vụ án ly hôn ngày càng phức tạp. Điều đó có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội của huyện. Thanh Miện là một huyện thuần nông của tỉnh Hải Dương, xuất phát điểm thấp nên huyện Thanh Miện còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội so với các huyện khác trong tỉnh, nền kinh tế hàng hoá chưa phát triển với cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ yếu. Từ những đặc điểm kinh tế xã hội nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội trong huyện nói chung và đời sống hôn nhân và gia đình nói riêng như tình trạng hôn nhân diễn ra ngày càng tăng trong những năm qua.
          Theo số liệu thống kê của huyện Thanh Miện, năm 2012 đã giải quyết  125 vụ ly hôn; năm 2013 đã giải quyết 156 vụ ly hôn, năm 2014 đã giải quyết  168 vụ ly hôn, từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2015 đã giải quyết 84 vụ ly hôn. Số vụ án hôn nhân và gia đình năm sau luôn cao hơn năm trước. Qua công tác kiểm sát các vụ án ly hôn thì tỷ lệ người vợ đứng đơn ly hôn cao hơn so với người chồng. Những vụ án ly hôn thường là những cặp vợ chồng trẻ ở nhóm tuổi từ 20 - 30 và hầu hết là có con. Tình trạng ly hôn ngày càng tăng xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
          - Do sự phát triển về mọi mặt của đời sống, từ kinh tế đến thông tin, văn hóa xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ của giới trẻ. Ngày nay giới trẻ thường yêu nhanh, cưới vội nên họ vẫn chưa tìm hiểu kỹ về nhau cũng như chưa trang bị các kỹ năng sống trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn không biết cách xử lý, không tôn trọng và nhường nhịn nhau để giải quyết dẫn đến bạo lực gia đình và hôn nhân đổ vỡ là điều không tránh khỏi. Hơn nữa nhận thức của các cặp vợ chồng về xây dựng cuộc sống chung, xây dựng gia đình hạnh phúc còn rất mơ hồ, thiếu chín chắn.
          - Do điều kiện kinh tế gia đình: Thường các cặp vợ chồng sau khi lập gia đình phải tự lo cho mái ấm của mình, điều kiện kinh tế chưa bảo đảm cho cuộc sống riêng hoặc chưa có nghề nghiệp ổn định cùng với việc sinh con sớm nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình vợ hoặc chồng phải đi làm ăn xa, thiếu sự quan tâm đến gia đình, con cái dẫn đến vợ chồng thiếu thốn tình cảm, sinh ra nghi ngờ, ghen tuông và vợ chồng phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn.
          - Do bạo lực gia đình : Với nền kinh tế phát triển chủ yếu là nông nghiệp nên trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế. Bạo lực gia đình là hậu quả nghiêm trọng cho con người nhất là đối với phụ nữ. Việc cam chịu  là nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở phụ nữ cũng như để lại những di chứng nặng nề cho con cái họ trở nên mặc cảm, không thích giao tiếp, thiếu tự tin trong cuộc sống. Khi bạo lực xảy ra sẽ gây ra nhiều sứt mẻ trong tình cảm, không tìm thấy sự hoà hợp mà chỉ còn sự cam chịu, ức chế và sợ hãi đến lúc họ không chịu đựng nổi và dẫn đến ly hôn
          - Do ngoại tình: Ngày xưa, quan niệm của mọi người coi việc vụng trộm tình ái là hành vi xấu xa, phản bội và thiếu đạo đức, bị cả xã hội lên án. Nhưng ngày nay việc ngoại tình diễn ra như  một hiện tượng bình thường và phổ biến. Nhất là người vợ hoặc chồng đi làm ăn xa nhà lâu ngày khi gặp đối tượng cùng cảnh ngộ dễ xiêu lòng đi theo tiếng gọi ái tình, người vợ hoặc chồng ở nhà cũng có thể do thiếu thốn tình cảm mà ngoại tình, từ đó dẫn đến ly hôn.
          - Do mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu: Mẹ chồng nàng dâu là hai người ở hai thế hệ khác nhau nên rất khó để dung hoà trong cuộc sống, lối suy nghĩ như bất đồng quan điểm trong cách sống, cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ, mẹ chồng ghen tỵ vì nghĩ con trai mình yêu vợ hơn mẹ hoặc hay can thiệp vào việc riêng của các con...Khi người vợ hoặc chồng không thể giải quyết được mâu thuẫn này thì đó cũng là lý do để các đôi vợ chồng ly hôn
          - Do mắc vào các tệ nạn xã hội: Với sự phát triển của xã hội thì tình hình các tệ nạn xã hội cũng ngày một gia tăng. ở Thanh Miện một số vụ ly hôn do chồng mắc  vào các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút ....chiến tỷ lệ khoảng 10% trong vụ án ly hôn.
          Ngoài các nguyên nhân trên còn các nguyên nhân từ sự phát triển về việc các dịch vụ hỗ trợ gia đình như giáo dục, y tế, dịch vụ giải trí...đã thay thế chức năng trước đây mà chỉ gia đình mới có thể đảm nhiệm được, nhiều người chưa nhận thức được vị trí của gia đình, cho rằng gia đình không phải là nơi duy nhất để họ trở về, dần dần vai trò gia đình được đánh giá thấp, giá trị gia đình không còn quan trọng, vì vậy họ không cần thiết phải cố gắng giữ gìn và vun đắp.
          Để hạn chế thực trạng ly hôn gia tăng như hiện nay, thiết nghĩ cần thực hiện các giải pháp sau đây:
          - Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các ban ngành đoàn thể, các hộ gia đình thực hiện phong trào “ Xây dựng gia đình văn hoá, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ”. Thực hiện nghiêm túc các luật liên quan đến gia đình như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Luật phòng, chống bạo lực gia đình ...ngăn chặn sự xâm nhập các tệ nạn xã hội và gia đình.
          - UBND xã, phường, thị trấn cần tăng cường công tác hoà giải để các cặp vợ chồng có ý định ly hôn có cơ hội trở lại đoàn tụ, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc và  nuôi dạy con cái.
          - Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ thường xuyên tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình trong nhân dân thông qua các cuộc họp sinh hoạt tại các tổ, phường, chi bộ, họp phụ nữ...để mọi người nhận thức được vai trò của gia đình để cùng nhau đem lại cuộc sống gia đình hạnh phúc.
          - Các cặp vợ chồng cần tăng cường học hỏi, kiến thức về tiền hôn nhân, giao tiếp, lối ứng xử trong gia đình qua các bài viết trên sách, báo. Bên cạnh đó cần trang bị kiến thức, kỹ năng cuộc sống gia đình, có nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Khuyến khích các cặp vợ chồng kết hôn và sinh con ở độ tuổi phù hợp để có sự tích luỹ về kinh tế đảm bảo sự phát triển của gia đình và nuôi dạy con cái. Nó giúp cho các cặp vợ chồng vượt qua khó khăn trong cuộc sống và hạn chế mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống gia đình. Cần nhận thức vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình, biết lắng nghe và chia sẻ, biết tôn trọng, nhường nhịn nhau. Mỗi người nên tự biết điều chỉnh, bỏ cái tôi, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Khi có mâu thuẫn, xung đột xảy ra cần bình tĩnh, khéo léo giải quyết các vấn đề. Điều quan trọng nhất là phải biết nghĩ về con cái, tôn trọng những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam.
          Các cụ xưa đã nói “ Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Vì vậy gia đình là tổ ấm mang lại hạnh phúc, là sự hài hoà cho đời sống của mỗi thành viên trong gia đình, mỗi cá nhân trong xã hội. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Do đó mỗi chúng ta khi đã có gia đình thì phải biết vun đắp tổ ấm xây dựng hạnh phúc gia đình một cách bền vững và lâu dài. Tất cả vì mục tiêu xây dựng “ Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây