Pháp luật về đặc xá và công tác kiểm sát

Thứ ba - 26/05/2015 21:39
Luật đặc xá được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 21/11/2007 ( Luật số 07/2007), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2008. Tiếp đó Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2008NĐ-CP ngày 04/7/2008 ( Nghị định số 76/2008NĐ-CP ) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đặc xá.
 Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt;  Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước được công bố và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau khi Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước được công bố thì được niêm yết tại trại giam, trại tạm giam.
Theo quy định tại Điều 10 Luật đặc xá thì  Điều kiện được đề nghị đặc xá như sau:
1. Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:a) Chấp hành tốt quy chế, nội quy của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; b) Đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là một phần ba thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành hình phạt tù; ít nhất là mười bốn năm đối với hình phạt tù chung thân; c) Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. 2. Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này được Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành hình phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:a) Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành hình phạt tù, có xác nhận của trại giam, trại tạm giam;b) Là thương binh; bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng một trong các danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Huân chương, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người có thân nhân là liệt sỹ; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con của Gia đình có công với nước;c) Là người đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau thường xuyên, có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền;d) Khi phạm tội là người chưa thành niên; đ) Là người từ 70 tuổi trở lên;e) Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú; g) Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định. 3. Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết việc áp dụng điều kiện của người được đề nghị đặc xá theo Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước.
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 76/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đặc xá. Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam được coi là đã lập công lớn, là người đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau thường xuyên, là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Đặc xá được hiểu như sau: a) Người lập công lớn trong thời gian chấp hành hình phạt tù: là người đang chấp hành hình phạt tù đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; cứu được tính mạng của nhân dân hoặc tài sản lớn của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn; có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. b) Người mắc bệnh hiểm nghèo: là người bị mắc một trong các bệnh ung thư, bại liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng; suy tim độ III hoặc suy thận độ IV trở lên, có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa hoặc bản sao Bệnh án của bệnh viện cấp tỉnh trở lên; nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đang có những nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu, có phiếu xét nghiệm HIV và kết luận của Trung tâm Y tế cấp huyện trở lên. c) Người ốm đau thường xuyên: là người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện nhiều lần, trong một thời gian dài, không lao động, không tự phục vụ bản thân được và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế cấp tỉnh trở lên. d) Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình: là người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người đó là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình cư trú.
Năm 2015, dân tộc ta kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – đây là ngày lễ lớn của đất nước; Thực hiện chính sách khoan hồng đặc biệt – đặc xá  đối với những người có đủ điều kiện đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là hoạt động của Hội đồng tư vấn đặc xá ( gồm các cơ quan, tổ chức sau: Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Tư pháp; Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao;  Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ; Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan do Chủ tịch nước quyết định khi thấy cần thiết) và các cơ quan tham mưu, giúp việc, trong đó có công tác Kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân.
Theo quy định của Luật và Nghị định:  Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước được niêm yết tại trại giam, trại tạm giam. Người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam được xét đặc xá. Thực tế những năm trước  người bị kết án đang được hoãn thi hành án phạt tù, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù đã được xét đặc xá và hồ sơ đề nghị xét đặc xá được giao cho Toà án nhân dân tỉnh  đề nghị Chủ tịch nước, trong khi hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá phải thực hiện trong thời ngắn, khó khăn vướng mắc nhất là hoạt động kiểm sát đã phát sinh. Ví dụ: trên địa bàn huyện A có 05 bị án được hoãn thi hành án phạt tù, trong đó 03 bị án được hoãn thi hành án theo quyết định của Chánh án Toà án nhân dân huyện A ( thuộc cấp huyện), 02 bị án được hoãn thi hành án theo quyết định của Chánh án Toà án nhân dân tỉnh ( thuộc cấp tỉnh). Theo quy định của Luật thi hành án hình sự 03 trường hợp hoãn thi hành án thuộc cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện quản lý, Viện KSND huyện thực hiện hoạt động kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá ( nếu có); 02 trường hợp hoãn thi hành án thuộc cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh quản lý, Viện KSND huyện không có hoạt động kiểm sát tại Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện ( không có hồ sơ). Mặt khác chưa có quy định cụ thể về phối hợp giữa  Toà án và Viện KSND trong việc  gửi hồ sơ đề nghị xét đặc xá; Toà án cấp huyện thường gửi ngay hồ sơ cho Toà án cấp tỉnh, Viện KSND cấp huyện phải “đề nghị” Toà án phối hợp…
Để hoạt động kiểm sát có hiệu quả, đảm bảo  Chính sách của Nhà nước trong đặc xá nhân dịp 70 năm Quốc khánh 2/9, đề nghị Hội đồng tư vấn đặc xá, ngành Kiểm sát nhân dân sớm hướng dẫn về tiêu chí, tiêu chuẩn đối tượng được đặc xá; Trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền và phối hợp với Viện KSND. Viện KSND cấp huyện ngoài việc khẩn trương nghiên cứu, quán triệt kịp thời triển khai thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của ngành về hoạt động kiểm sát, phải chủ động làm tốt công tác kiểm sát thi hành án hình sự, cụ thể là: Cập nhật đầy đủ hồ sơ bị án được hoãn thi hành án; phối hợp với kiểm sát thi hành án dân sự nắm chắc số bị án đã  chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác; ý thức chấp hành pháp luật của bị án thông qua làm việc với địa phương nơi bị án cư trú… 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây