Tổ chức bộ máy và chức danh tư pháp VKSND trong luật tổ chức VKSND năm 2014
Thứ ba - 26/05/2015 21:35
Ngày 24 tháng 11 năm 2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 63/2014/QH13 (sau đây gọi tắt là Luật tổ chức VKSND năm 2014). Theo đó, tổ chức bộ máy và các chức danh tư pháp Viện kiểm sát nhân dân có nhiều quy định mới.
1. Về tổ chức bộ máy của VKSND
Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp theo hướng chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu về mở rộng thẩm quyền:
- Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã thiết lập hệ thống tổ chức VKSND 04 cấp theo chủ trương cải cách tư pháp tại Nghị quyết 49-NQ/TW, Kết luận 79-KL/TW, Kết luận 92-KL/TW, gồm VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện (Điều 40). Trong đó VKSND cấp cao là cấp kiểm sát mới, có nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao (khoản 2 Điều 41). Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gồm có: Ủy ban kiểm sát; Văn phòng; Các viện và tương đương. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác (Điều 44).
- Luật cũng đã kiện toàn tổ chức bộ máy ở VKSND cấp huyện nhằm đáp ứng yêu cầu về tăng thẩm quyền nhưng vẫn bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn hoạt động. Theo đó, VKSND cấp huyện gồm có Văn phòng và các Phòng; những nơi chưa đủ điều kiện thành lập phòng thì tổ chức các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc như hiện nay (khoản 1 Điều 48).
- Về Ủy ban kiểm sát của VKSND (các điều 43, 45, 47, 53, 55)
Bên cạnh việc tiếp tục quy định Ủy ban kiểm sát ở VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKSQS trung ương, VKSQS quân khu và tương đương như hiện nay, Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã thành lập thêm Ủy ban kiểm sát ở VKSND cấp cao là cấp kiểm sát mới. Cơ cấu tổ chức của VKSND cấp cao gồm có Ủy ban kiểm sát (UBKS), Văn phòng, các viện và đơn vị tương đương.
Vai trò của Ủy ban kiểm sát trong Luật này cũng được đổi mới, Luật tổ chức VKSND năm 2014 tiếp tục quy định UBKS có quyền quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức và hoạt động của VKSND như Luật hiện hành. Riêng đối với các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự quan trọng thì Luật không giao cho Ủy ban kiểm sát quyền quyết định như hiện nay mà chỉ có vai trò tư vấn cho Viện trưởng khi Viện trưởng thấy cần thiết, bảo đảm phù hợp với quy định của các luật tố tụng về tư cách tiến hành tố tụng và nguyên tắc chịu trách nhiệm trong hoạt động tư pháp của Viện trưởng VKSND. Luật năm 2014 còn bổ sung thẩm quyền cho Ủy ban kiểm sát xét tuyển người có đủ điều kiện dự thi vào các ngạch Kiểm sát viên.
Khi quyết định những vấn đề được giao trong Luật, Ủy ban kiểm sát phải ban hành nghị quyết trên cơ sở biểu quyết của đa số thành viên Ủy ban kiểm sát.
2. Về các chức danh tư pháp của VKSND
Chế độ pháp lý của các chức danh tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân được đổi mới căn bản, cụ thể như sau:
- Tổ chức 04 ngạch Kiểm sát viên (gồm Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp), trong đó, ngạch Kiểm sát viên cao cấp là ngạch mới, tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp tương ứng với tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND tối cao hiện nay; đa dạng hóa các ngạch Kiểm sát viên ở mỗi cấp Viện kiểm sát bảo đảm linh hoạt trong việc sử dụng, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ giữa các cấp Viện kiểm sát, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng cấp (các điều 76, 79).
- Quy định rõ số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao không quá 19 người (khoản 1 Điều 93); nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND tối cao (Điều 80).
- Đổi mới quy định về nhiệm kỳ Kiểm sát viên, theo đó, Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm (Điều 82).
- Áp dụng hình thức thi tuyển vào các ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp; Ủy ban kiểm sát xét tuyển để chọn người đủ điều kiện dự thi; Hội đồng thi được tổ chức ở VKSND tối cao (Điều 87). Đối với Kiểm sát viên VKSND tối cao, tiếp tục thực hiện cơ chế tuyển chọn thông qua Hội đồng tuyển chọn như hiện nay.
- Bổ sung quy định về tuyên thệ của Kiểm sát viên khi được bổ nhiệm (Điều 85), theo đó, người được bổ nhiệm vào các ngạch Kiểm sát viên phải tuyên thệ:
1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân;
2. Đấu tranh không khoan nhượng với mọi tội phạm và vi phạm pháp luật;
3. Kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, lẽ phải và công bằng xã hội;
4. Không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”;
5. Nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, nguyên tắc tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.
- Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định Kiểm tra viên là chức danh tư pháp, được bổ nhiệm để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng. Kiểm tra viên có 03 ngạch như hiện nay (Kiểm tra viên, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp). Tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định (Điều 90).