Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện KSND trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, HNGĐ, KDTM, LĐ và những việc khác theo Luật tổ chức Viện KSND năm 2014

Thứ tư - 17/06/2015 23:22
          Nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, là cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động thực tiễn, ngày 24 tháng 11 năm 2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 63/2014/QH13 (sau đây gọi tắt là Luật tổ chức VKSND năm 2014) gồm 06 chương, 101 điều và được xác định là sửa đổi căn bản, toàn diện về tổ chức và hoạt động của Viện KSND nhằm thể chế Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu cải cách tư pháp, thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng. Luật xác định rõ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của Viện kiểm sát nhân dân. Tại Khoản 1 Điều 2 Luật tổ chức Viện KSND năm 2014 đã ghi nhận chức năng của Viện KSND: “Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
          Xuất phát từ chức năng chung của ngành, Viện KSND kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án nhân dân nhằm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tố tụng, bảo đảm tính pháp chế trong các phán quyết của Toà án, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa,bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
          Nếu như Luật Tổ chức Viện KSND năm 2002 quy định kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật thành một chương riêng – Chương IV với 03 điều (Điều 20, 21, 22) thì Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã thu hẹp lại còn một điều duy nhất, đó là Điều 27 với 8 khoản rõ ràng và chi tiết. Cụ thể;
          1. Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.
          2. Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc.
          3. Thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp pháp luật quy định.
          4. Tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.
          5. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.
          6. Kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.
          7. Kháng nghị, kiến nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng.
          8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.
          Như vậy, so sánh với Luật Tổ chức Viện KSND năm 2002  thì quyền hạn của Viện kiểm sát theo quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã thu hẹp hơn. Theo đó, Viện kiểm sát đã không còn quyền kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án, không còn quyền tự mình xác minh hoặc yêu cầu Toà án xác minh những vấn đề cần làm sáng tỏ nhằm giải quyết đúng đắn vụ án, không còn quyền khởi tố vụ án dân sự và cũng không còn quyền yêu cầu Toà án nhân dân áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật  theo quy định như trước đây nữa. Cụ thể theo quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 là khi kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thì Viện kiểm sát có quyền kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc; thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp pháp luật quy định; tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật; kiểm sát bản án, quyết định của Toà án; kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; kháng nghị, kiến nghị bản án, quyết định của Toà án có vi phạm pháp luật; kiến nghị, yêu cầu Toà án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng.v.v...
          Việc quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 như trên đã thể hiện sự phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp và đặc biệt phù hợp với các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi năm 2011).
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây