Vấn đề về “tranh tụng” theo tinh thần Hiến pháp 2013
Chủ nhật - 26/04/2015 21:19
Tại khoản 5 điều 103 Hiến pháp 2013 quy định: “nguyên tắc tranh tụng trong xét xét xử được đảm bảo”, đây là lần đầu tiên, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được ghi nhận thành một nguyên tắc trong Hiến pháp, điều đó cho thấy hơn lúc nào hết, ngành Kiểm sát nhân dân phải chú trọng hơn nữa công tác tranh tụng.
Từ trước tới nay vấn đề tranh tụng và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa cũng đã được quan tâm và đề cập tới nhiều. Đảng và Nhà nước ta cũng như ngành Kiểm sát đã có nhiều chủ trương về vấn đề này: Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 02/01/2002; Nghị quyết số 49 - NQ/TW Ngày 2/6/2005 đã coi nội dung tranh tụng tại tất cả các phiên tòa hình sự là một trong những nội dung trọng tâm, đột phá của cải cách tư pháp; Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2015 của VKSNDTC và Kế hoạch số 01/KH-VKS-VP ngày 19/1/2015 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương về Công tác kiểm sát năm 2015, đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là: Chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong hoạt động xét xử mà trọng tâm là: “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa”, Như vậy, các văn bản chỉ đạo nêu trên đề cập về vấn đề “tranh tụng tại phiên tòa”. Dự thảo BLTTHS năm 2014 đã đưa thêm Điều 20: Bảo đảm tranh tụng, công bằng trong xét xử, là phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 vấn đề “tranh tụng trong xét xử” nên cần được thông qua.
Để thực hiện tốt những quy định và chỉ đạo nêu trên, trước hết cần hiểu rõ về “tranh tụng”, “tranh tụng trong xét xử” và “ tranh tụng tại phiên tòa”.
Trong BLTTHS 2003 không có quy định về Tranh tụng mà chỉ có quy định về Tranh luận. Khái niệm Tranh tụng cũng chưa có văn bản nào xác định. Theo từ điển tiếng Việt thì Tranh tụng có nghĩa là kiện cáo lẫn nhau; theo nghĩa Hán Việt, tranh tụng được ghép 2 từ “Tranh luận” và “ kiện tụng”. Theo quan điểm một số nhà nghiên cứu thì: tranh tụng là một quá trình tố tụng lâu dài giữa các bên có lợi ích đối lập nhau trong việc thu thập đưa ra chứng cứ và bảo vệ quan điểm lợi ích của mình giữa bên buộc tội và bên gỡ tội; Quá trình tranh tụng trong tố tụng hình sự bắt đầu từ khi có sự buộc tội của Cơ quan nhà nước đối với cá nhân như: quyết định dụng biện pháp ngăn chặn, bắt, tạm giữ, tạm giam, quyết định khởi tố; làm xuất hiện quyền bào chữa để chống lại sự buộc tội đó như quyền: trình bày, khai báo, đưa tài liệu đồ vật, quyền tự bào chữa hoặc yêu cầu người khác bào chữa, quá trình tranh tụng kết thúc khi bản án có hiệu lực pháp luật. Tranh tụng trong xét xử bắt đầu từ khi hồ sơ chuyển sang Tòa án, đến khi bản án có hiệu lực pháp luật; Tranh tụng tại phiên tòa bắt đầu từ khi KSV đọc cáo trạng đến khi TA tuyên án. Tranh tụng tại phiên tòa chỉ là một phần của tranh tụng trong tố tụng hình sự và một phần của Tranh tụng trong xét xử nhưng mang tính trung tâm và thể hiện đầy đủ nhất, rõ nét nhất về sự tranh tụng. Những quan điểm này chỉ mang tính cá nhân, chưa có văn bản quy định chính thức cụ thể tuy nhiên nó cũng phù hợp với quy định của pháp luật.
Để từng bước thực hiện “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Viện kiểm sát nhân tỉnh Hải Dương hiện đang xây dựng chuyên đề: “Thực trạng và những giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự”, đã đánh giá về thực trạng công tác tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên, thông qua 1 số ví dụ cụ thể để chứng minh, đồng thời đề ra các giải pháp phát huy kết quả làm được, khắc phục hạn chế về công tác tranh tụng góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.