Trẻ em phạm tội, vì đâu?

Thứ năm - 23/04/2015 04:53
Ngày 20/4/2015 Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương mở phiên tòa xét xử sơ thẩm (xử kín) vụ án Hiếp dâm trẻ em theo khoản 4 Điều 112 của Bộ luật hình sự xảy ra tại thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách. Nội dung cụ thể như sau: Trưa ngày 21/12/2014, cháu Lê Thị Phương L sinh ngày 03/01/2011 đến nhà Hiến chơi, tại đây Hiến đã bảo cháu L ngồi lên ghế gỗ, đỡ cháu nằm xuống rồi thực hiện hành vi giao cấu với cháu, khi đang thực hiện hành vi giao cấu với cháu L thì bị mẹ kế phát hiện, trước đó Hiến cũng thực hiện hành vi giao cấu với cháu L một lần khác. Tại phiên tòa đại diện bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo do bị cáo chưa gây ra hậu quả đối với cháu L.  Trên cơ sở  xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tính chất của hành vi phạm tội, xét đến các quy định về xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, Tòa án xử phạt bị cáo Mạc Quang Hiến 8 năm tù.
 Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Mạc Quang Hiến sinh ngày 16/10/1999,  với khuôn mặt còn non choẹt và mái đầu cắt ngắn, bị cáo rành rọt trả lời từng câu hỏi của chủ tọa phiên tòa, mô tả cụ thể hành vi phạm tội của mình, xác định hành vi của mình là sai và mong Tòa án giảm nhẹ hình phạt. Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo phạm tội, Hiến kể  sau khi bố mẹ ly hôn, Hiến ở với bố và mẹ kế, học xong lớp 9 Hiến nghỉ học ở nhà giúp việc gia đình và chính những thời gian rỗi, Hiến đã vào quán Internet để xem các anh chơi điên tử, quen dần Hiến vào các trang mạng xã hội xem phim ảnh khiêu dâm đồi trụy rồi bị kích động, khi về nhà thấy cháu L hay đến chơi và thân quen với Hiến nên Hiến đã nảy sinh ý định giao cấu và bắt chước như trên phim ảnh, nhưng do cháu L còn nhỏ nên đã không thành công. Lời trình bày thành thật của bị cáo khiến người nghe không khỏi băn khoăn, giá như gia đình quan tâm hơn đến bị cáo, giáo dục cho bị cáo về vấn đề giới tính, những việc làm rất đỗi bản năng ấy là không được phép khi tuổi còn nhỏ, gây hậu quả xấu cho bản thân và xã hội, giáo dục cho bị cáo hiểu trách nhiệm của một người con trong gia đình, về mối quan hệ với những người trong gia đình, xã hội…thì biết đâu bị cáo ý thức được hậu quả mà không thực hiện hành vi phạm tội.
Trong thời đại hiện nay, với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, con người năng động hơn, hiểu biết hơn, thuận lợi hơn khi muốn tìm hiểu các vấn đề của xã hội, song bản thân người sử dụng phải biết chắt lọc kiểm chứng các thông tin và phải biết hành động theo đúng pháp luật và chuẩn mực đạo đức. Đối với trẻ em ở lứa tuổi đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, môi trường sống và gia đình, xã hội có tác động rất quan trọng, bởi đa số trẻ em phạm tội là do thiếu sự giáo dục trong gia đình và bị những tác động xấu từ xã hội. Phải làm sao để giúp trẻ tự phòng ngừa, tự nhận thức và làm chủ hành vi, hiểu rõ pháp luật cũng như biết yêu thương, tôn trọng sức khỏe, danh dự của người khác mới chính là gốc rễ của vấn đề.
 Vì tương lai con em chúng ta, mỗi gia đình hãy quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục và quản lý con em mình, kịp thời uốn nắn, sửa chữa các lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, tránh cho trẻ em vướng vào vòng lao lý như bị cáo trong vụ án.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây