Những nội dung mới của Luật tổ chức Viện KSND (Sửa đổi)

Thứ tư - 13/05/2015 02:54
          Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) số 63/2014/QH13 và Nghị quyết số 82/2014/QH13 về việc thi hành Luật tổ chức VKSND được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2014. Với 6 chương, 101 điều, Luật tổ chức VKSND năm 2014 tiếp tục khẳng định rõ hơn vị trí của VKSND là thiết chế hiến định trong bộ máy Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. So với Luật tổ chức VKSND hiện hành, Luật tổ chức VKSND năm 2014 có nhiều điểm mới, cụ thể như sau:
          Luật tổ chức VKSND năm 2014 khẳng định rõ hơn vị trí của VKSND là thiết chế hiến định trong bộ máy Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định rõ phạm vi, nội dung, mục đích của từng chức năng THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp. Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định, VKSND thực hành quyền công tố trong các giai đoạn giải quyết tố giác, tin bào về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đối với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã bổ sung các quy định về kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; kiểm sát trong giai đoạn truy tố; kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp.
          Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã làm rõ nội dung các khâu công tác và bổ sung quy định về công tác phục vụ thực hiện chức năng của VKSND; phân định lại một cách rõ ràng, hợp lý, cụ thể các khâu công tác thực hiện chức năng gồm: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự; Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố; Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự; Công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND; Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; Kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; Kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Bổ sung và phân biệt rõ các công tác phục vụ thực hiện chức năng gồm: Thống kê tội phạm; nghiên cứu khoa học; xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng; hợp tác Quốc tế; phổ biến, giáo dục pháp luật.
          Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã mở rộng thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND cả về loại tội phạm và chủ thể thực hiện tội phạm. Theo Luật tổ chức VKSND hiện hành, Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cơ quan điều tra VKS quân sự Trung ương điều tra một số loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc cơ quan tư pháp. Theo Luật tổ chức VKSND năm 2014, Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cơ quan điều tra VKS quân sự Trung ương không chỉ điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà còn điều tra các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Toà án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra.
          Luật tổ chức VKSND năm 2014 cũng đã phân định rõ các trường hợp Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị hoặc quyền kiến nghị. Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị trong trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị trong trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng hoặc khi phát hiện cơ quan, tổ chức hữu quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý. Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của VKSND, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả khi VKSND thực hiện các quyền này trên thực tế.
          Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã làm rõ hơn nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành và làm rõ hơn khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã làm rõ mối quan hệ giữa Viện trưởng cấp trên với Viện trưởng cấp dưới và ngược lại thông qua các quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp. Đồng thời làm rõ thêm quy định của Hiến pháp năm 2013 “Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND” như sau: “Kiểm sát viên phải chấp hành quyết định của Viện trưởng VKS. Khi có căn cứ cho rằng, quyết định là trái pháp luật thì Kiểm sát viên có quyền từ chối nhiệm vụ được giao và phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với Viện trưởng; trường hợp Viện trưởng vẫn quyết định thi hành thì phải có văn bản và Kiểm sát viên phải chấp hành nhưng không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo lên Viện trưởng VKSND cấp trên có thẩm quyền. Viện trưởng đã quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.
          Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định Viện kiểm sát 4 cấp (VKS tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) trong đó, Viện kiểm sát cấp cao là cấp kiểm sát mới, có nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp cao; cơ cấu của VKSND cấp cao gồm có Uỷ ban kiểm sát, văn phòng, các viện và đơn vị tương đương. Về tổ chức bộ máy VKSND cấp huyện, theo Luật tổ chức VKSND năm 2014, VKSND cấp huyện có Văn Phòng và các phòng, những nơi chưa đủ điều kiện thành lập phòng thì tổ chức các bộ phận và bộ máy giúp việc. Luật tổ chức VKSND năm 2014 bổ sung thẩm quyền cho Uỷ ban kiểm sát xét tuyển người có đủ điều kiện dự thi vào các ngạch Kiểm sát viên; đối với các vụ án, vụ việc, Uỷ ban kiểm sát chỉ có vai trò tư vấn theo đề nghị của Viện trưởng; Luật tổ chức VKSND năm 2014 cũng quy định rõ, khi quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, Uỷ ban kiểm sát phải ban hành nghị quyết. Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định trường hợp Viện trưởng VKSND tối cao không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát thì vẫn phải thực hiện theo ý kiến của đa số, mà không có quyền báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước. Ở các Viện kiểm sát khác, trong trường hợp Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát thì phải thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo lên Viện trưởng VKSND tối cao.
          Theo Luật tổ chức VKSND năm 2014, có 4 ngạch Kiểm sát viên (Kiểm sát viên VKSTC, Kiểm sát viên Cao cấp, Kiểm sát viên Trung cấp và Kiểm sát viên Sơ cấp); về số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao quy định không quá 19 người; về cơ chế tuyển chọn Kiểm sát viên, Luật tổ chức VKSND năm 2014 áp dụng hình thức thi tuyển vào các ngạch Kiểm sát viên cao cấp, trung cấp và sơ cấp. Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định Kiểm tra viên là chức danh tư pháp được bổ nhiệm để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Viện trưởng.
          Về bảo đảm hoạt động của VKSND, Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định rõ trong trường hợp Chính phủ và VKSND tối cao không thống nhất về dự toán kinh phí hoạt động của VKSND thì Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định.
          Về cơ chế giám sát đối với VKSND, Luật hiện hành quy định giám sát Quốc hội, Hội đồng nhân dân với VKSND, giám sát của nhân dân với Kiểm sát viên. Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định cơ chế giám sát trở lại của Cơ quan điều tra, Toà án, Cơ quan thi hành án và các cơ quan khác có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp đối với việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND. Đây là việc thể chế hoá tư tưởng kiểm soát quyền lực trong Hiến pháp năm 2013; quy định rõ các thiết chế giám sát bằng hình thức dân chủ đại diện gồm có Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân; quy định cơ chế giám sát thông qua dân chủ trực tiếp và các tổ chức chính trị- xã hội.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây