- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Công tác tham mưu của Văn phòng tổng hợp có vị trí, vai trò quan trọng, gắn liền với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Viện KSND tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành; thông qua nhiệm vụ quản lý, theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động để tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ công tác trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Trong những năm qua Văn phòng tổng hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng công tác tham mưu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào kết quả chung của ngành Kiểm sát Hải Dương. Từ thực tiễn tổ chức thực hiện nhiệm vụ, để nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp; đơn vị đề xuất một số biện pháp sau:
- Chú trọng kiện toàn về tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác tham mưu; lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ và kinh nghiệm thực tiễn cho công tác tham mưu. Quan tâm phát hiện cán bộ trẻ có năng lực để luân chuyển, đào tạo, xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu theo hướng chính quy, chuyên nghiệp và chuyên sâu; nhạy bén, có khả năng nắm bắt, tổng hợp, phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, thành thạo trong sử dụng công nghệ thông tin.
- Chú trọng đào tạo lại và bồi dưỡng, bao gồm cả bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp để người làm công tác tham mưu có kiến thức tổng hợp toàn diện, nắm chắc các hoạt động nghiệp vụ. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức về ngoại ngữ, tin học ứng dụng văn phòng và các chương trình khác về công tác văn phòng.
- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức thực hiện công tác tham mưu. Duy trì thường xuyên chế độ họp giao ban lãnh đạo Văn phòng, đơn vị theo định kỳ, nhất là chế độ giao ban hằng tuần, hằng tháng. Thông qua đó, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường chỉ đạo công tác hướng dẫn, kiểm tra, rút kinh nghiệm và sơ kết, tổng kết công tác văn phòng theo định kỳ.
- Thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin, những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước liên quan đến hoạt động của ngành, nhất là các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp; tạo cơ chế, điều kiện rõ ràng cho người làm công tác tham mưu kịp thời nắm thông tin liên quan đến công tác như: Tiếp cận các văn bản, báo cáo (bao gồm một số văn bản, báo cáo Mật...), dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, các đoàn kiểm tra,... để có thông tin tổng thể, nắm chắc kết quả hoạt động của các khâu công tác và nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Viện.
- Công chức được phân công thực hiện công tác tham mưu tổng hợp cần nghiên cứu kỹ những kế hoạch, hướng dẫn và các văn bản triển khai cụ thể, chi tiết về phương pháp, kỹ năng xây dựng các văn bản tham mưu tổng hợp để thực hiện đầy đủ nội dung yêu cầu đối với mỗi loại công việc như: xây dựng các báo cáo, công văn, thông báo, tổng hợp các loại tài liệu khác và các hoạt động để thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm. Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo để giảm gánh nặng báo cáo, bảo đảm thông tin minh bạch, chính xác, đầy đủ số liệu...
- Chú trọng đầu tư kinh phí, trang thiết bị, phương tiện làm việc phù hợp với tính chất, phục vụ yêu cầu công tác tham mưu. Trang bị cho những người làm công tác tham mưu các thiết bị điện tử, để tạo điều kiện trong việc lưu, chuyển văn bản, như: Máy ghi âm, ghi hình,... máy tính xách tay không kết nối internet để thực hiện quy định về bảo vệ bí mật nhà nước[1]. Hỗ trợ, đảm bảo kinh phí chi cho hoạt động thông tin liên lạc, mua văn phòng phẩm... phù hợp với đặc thù của công tác tham mưu tổng hợp, nhất là dịp phục vụ sơ kết, tổng kết, phục vụ hoạt động giám sát, xây dựng báo cáo Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ quan có thẩm quyền.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận công tác thuộc Văn phòng và với các đơn vị làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ; quan hệ phối hợp tốt với người làm công tác tham mưu của các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan; quan hệ chặt chẽ giữa bộ phận làm công tác tham mưu Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới./.
[1] Theo Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 03/7/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác bảm đảm an ninh, an toàn thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Mạnh Vỹ, Văn phòng tổng hợp |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.