- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-VKSTC, ngày 04/4/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Hà nhận thấy, vai trò của việc đào tạo các kỹ năng, nghiệp vụ, bản lĩnh công tác và việc cập nhật các văn bản pháp luật mới là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành nên bản lĩnh chính trị, đạo đức và trách nhiệm của người cán bộ kiểm sát.
Vì vậy, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Hà đã đề ra rất nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, kiểm sát viên trong đơn vị. Trong đó, việc đào tạo tại chỗ là một cách làm không mới, nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, kiểm sát viên trong đơn vị. Kế hoạch công tác kiểm sát hàng năm cũng đều xác định việc đào tạo tại chỗ phải diễn ra liên tục, có chiều sâu, đảm bảo hiệu quả, thiết thực bao gồm bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, tác phong, lối sống, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp và đề cao kỷ cương, kỷ luật trong công tác, được áp dụng đối với tất cả các công chức nghiệp vụ trong đơn vị, ưu tiên cán bộ trẻ mới vào ngành. Để thực hiện nhiệm vụ này, lãnh đạo VKSDND huyện Thanh Hà ưu tiên thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tổ chức sinh hoạt Chi bộ định kỳ, quán triệt kịp thời đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tổ chức học tập nghiêm túc các Chuyên đề Học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hai là, nâng cao chất lương giao ban đơn vị, dành một phần thời gian trong mỗi kỳ họp giao ban, một tháng một chuyên đề, phân công, giao trách nhiệm cho các Kiểm sát viên, kiểm tra viên, cán bộ nghiệp vụ là người nghiên cứu, trình bày tại các kỳ họp giao ban, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của cán bộ, công chức trong đơn vị để cùng nhau chia sẻ, giải đáp. Đặc biệt, chú trọng học tập kịp thời các Quy chế nghiệp vụ mới, các văn bản pháp luật mới ban hành. Năm 2020, qua giao ban tuần, tháng, đơn vị đã tổ chức học tập được 15 chuyên đề, điển hình là Chuyên đề học tập Quy chế ban hành kèm theo quyết định số 111 ngày 17/4/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án hình sự; Thông tư 28/2020/TT-BCA quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân; Quyết định số 286 ngày 08/7/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Quy định về quy trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, một số chuyên đề kinh nghiệm giải quyết các vụ án Cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản….
(Hình ảnh: Học tập chuyên đề nghiệp vụ) |
Ba là, đối với các vụ án có khó khăn, vướng mắc các Kiểm sát viên báo cáo những nội dung có khúc mắc, thảo luận tại cuộc họp, từ đó, vừa có thể sử dụng trí tuệ tập thể trong việc giải quyết những vấn đề cần tháo gỡ, vừa có thể mang vấn đó trao đổi, học tập để làm kinh nghiệm áp dụng giải quyết các vụ án tương tự. Qua các vụ án, vụ việc cụ thể, các Kiểm sát viên truyền đạt các kinh nghiệm, bài học thực tế, các cách làm hay và hiệu quả cho nhau, đặc biệt là truyền đạt kinh nghiệm cho những cán bộ trẻ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
(Hình ảnh: Học tập chuyên đề nghiệp vụ) |
Bốn là, quán triệt, học tập các thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, các phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương rút kinh nghiệm trong kiểm sát giải quyết các vụ việc cụ thể, các thông báo rút kinh nghiệm theo Quý, từ đó, triển khai các biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại, tránh lặp lại các vi phạm đã nêu trong thông báo.
Năm là, thông qua việc tham dự các phiên toà rút kinh nghiệm, các cán bộ trẻ, các Kiểm sát viên nắm được quy định của pháp luật về trình tự tố tụng tại các phiên toà hình sự, dân sự, hành chính, kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh tại phiên toà, kỹ năng thể hiện quyền năng của Viện kiểm sát đối với các trường hợp cụ thể. Sau phiên toà, tham dự và rút kinh nghiệm chung những vấn đề đã đạt, chưa đạt để các Kiểm sát viên, cán bộ kiểm sát cùng nhau rút kinh nghiệm và phát huy những ưu điểm đã đạt được.
(Hình ảnh lớp học bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đối tượng 4) |
Bên cạnh đó, đơn vị còn chủ động tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tham gia các lớp học tập kỹ năng nghiệp vụ của Trường Đại học kiểm sát, Viện kiểm sát tỉnh Hải Dương và Lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh do Ban chỉ huỷ quân sự huyện Thanh Hà …
Thông qua các hình thức đào tạo, nhận thức và bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp của cán bộ, công chức trong đơn vị ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, với công tác đào tạo tại chỗ, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyệnThanh Hà coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm, công việc hàng ngày bên cạnh các nhiệm vụ khác, từ đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ngành Kiểm sát nhân dân “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” theo đúng tinh thần của chiến lược cải cách tư pháp.
Nguyễn Thị Ngân VKSND huyện Thanh Hà |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.