Giải pháp thực hiện phong trào thi đua năm 2016

Thứ hai - 25/01/2016 20:43
Năm 2015, Phòng Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Phòng 12)- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, không có cá nhân đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, nhiều đợt thi đua ngắn hạn đơn vị và cá nhân  không  được khen thưởng.
 Qua tổng kết phong trào thi đua năm 2015, Phòng 12 đã nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, chỉ ra một số hạn chế đó là: việc phát động phong trào thi đua trong đơn vị chưa được thường xuyên, liên tục, chưa toàn diện; chưa đề ra được giải pháp thiết thực để hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nghiệp vụ đề ra, cán bộ, KSV chưa tích cực viết bài đăng trên trang điện tử nội bộ và của ngành.
Từ những hạn chế nêu trên trong việc thực hiện các phong trào thi đua, dẫn đến kết quả đạt được của đơn vị và của cán bộ, Kiểm sát viên chưa cao. Do vậy, ngay từ đầu năm 2016, Phòng 12 đã tích cực hưởng ứng, triển khai và đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Viện trưởng VKSND tối cao và Viện trưởng VKSND tỉnh Hải Dương phát động, góp phần cùng toàn ngành kiểm sát Hải Dương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2016; cụ thể như sau:
1. Đổi mới phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành: Ngay từ đầu năm nghiệp vụ, Phòng 12 đã xây dựng mẫu báo cáo tháng, 6 tháng, 1 năm; mẫu báo cáo kết quả kiểm sát việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp; danh sách tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn tuần, tháng, năm và mở thêm một số loại sổ nghiệp vụ. Đồng thời tăng cường phát huy tính sáng tạo, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm nêu gương của từng cán bộ đảng viên, trước hết là các đồng chí giữ cương vị bí thư chi bộ, lãnh đạo phòng, tổ trưởng tổ công đoàn.  
2. Lãnh đạo đơn vị phối hợp chặt chẽ với Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ công đoàn trong quản lý, giám sát cán bộ, KSV; nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, KSV thực hiện nghiêm túc các Quy định, Quy chế của ngành và thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
3. Tổ chức quán triệt đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp ủy đảng, của nhà nước và của ngành; trong đó chú trọng quán triệt các đạo luật mới ban hành và các văn bản về công tác thi đua khen thưởng, nhằm nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của cán bộ, KSV về công tác thi đua khen thưởng. Kiểm điểm nghiêm túc những việc đã làm được, chưa làm được và đề ra biện pháp để hoàn thành.
4. Cán bộ, Kiểm sát viên thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức về mục tiêu lý tưởng, đạo đức cách mạng, xác định rõ và thực hiện tốt trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, trong việc học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, tích cực viết tin bài đăng trên trang điện tử của ngành.
5. Phong trào thi đua được phát động thường xuyên, liên tục, bám sát vào Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, Hướng dẫn của vụ 12, Kế hoạch công tác kiểm sát của Viện trưởng VKSND tỉnh và Chương trình công tác của đơn vị. Nội dung thi đua phải thiết thực, đúng trọng tâm, trọng điểm. Việc bình xét thi đua công bằng, công khai, dân chủ, có chất lượng hiệu quả. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây