Ngành kiểm sát nhân dân tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị

Chủ nhật - 31/01/2016 22:30

Ngành kiểm sát nhân dân tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị

Ngày 27/01/2016, ngành kiểm sát nhân dân đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Ngành kiểm sát Hải Dương tham gia 1 điểm cầu tại Viện KSND tỉnh. Tham dự tại điểm cầu Hải Dương có các đồng chí lãnh đạo Viện KSND tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện KSND tỉnh, Viện trưởng Viện KSND cấp huyện và toàn thể Kiểm sát viên trung cấp ngành kiểm sát Hải Dương. Theo đó, ngành kiểm sát đã đạt được một số kết quả nổi bật như: chủ trì soạn thảo 03 văn bản quy phạm pháp luật gồm: Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi) năm 2014 và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP ngày 22/3/2012 có nội dung liên quan đến công tác xây dựng pháp luật về PCTN; ban hành các Quy chế về tổ chức, hoạt động của các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tuyên truyền và đấu tranh PCTN.  
Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp soạn thảo và tham gia góp ý đối với 46 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến xây dựng pháp luật về PCTN, góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, chống tham nhũng, gồm: 01 Bộ luật, 28 Luật, 01 Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; 01 Nghị quyết liên tịch, 01 Nghị quyết của Chính phủ, 05 Nghị định của Chính phủ, 06 Thông tư liên tịch, 02 Thông tư và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, trong năm 2013 Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo VKSND tối cao đã quyết định thành lập đơn vị Thanh tra và bộ phận thanh tra (thuộc phòng Tổ chức cán bộ) thuộc VKSND cấp tỉnh tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thanh tra VKSND các cấp đã tiến hành trên 500 cuộc thanh tra, kiểm tra tại đơn vị cùng cấp và cấp dưới, góp phần nâng cao hiệu quả PCTN trong nội bộ ngành Kiểm sát.


Trong 10 năm (từ 2005 đến 2015), VKSND các cấp đã thụ lý, thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 3424 vụ/ 7700 bị can; Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 2863 vụ/ 7192 bị can. Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết là 2910 vụ/ 7456 bị can, trong đó đã truy tố 2584 vụ/ 5782 bị can. Tòa án đã xét xử 2567 vụ/ 5748 bị cáo. Thông qua việc giải quyết các vụ án tham nhũng, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã ban hành văn bản kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, các bộ, ngành, tổ chức và cơ quan có liên quan khắc phục những sơ hở trong cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước nói chung, quản lý hoạt động tư pháp, quản lý đội ngũ cán bộ công chức ngành tư pháp nói riêng. Những kiến nghị của Viện kiểm sát đều được các cơ quan nghiêm túc tiếp thu thực hiện, trả lời bằng văn bản, đã có tác động tích cực, giúp từng ngành, từng địa phương thấy được những sai phạm, yếu kém để có biện pháp khắc phục, phòng ngừa vi phạm và tội phạm.
Hội nghị cũng đã chỉ ra một số khó khăn vướng  mắc trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và nguyên  nhân, trong đó có nguyên nhân về cơ chế, chính sách, pháp luật như: Hệ thống pháp luật nói chung còn bất cập, thiếu đồng bộ; quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực như tài chính, đất đai, quy hoạch, xây dựng cơ bản, bổi thường giải phóng mặt bằng... còn sơ hở. Chế tài xử lý còn thiếu các biện pháp cưỡng chế, chưa bảo đảm thi hành các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý thanh tra... Các quy định về cơ chế phát hiện và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với tội phạm về tham nhũng chủ yếu được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự; không có quy định riêng về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với tội phạm về tham nhũng. Các quy định của Luật PCTN về cơ quan chuyên trách đấu tranh chống tham nhũng chưa toàn diện. Các quy định về công khai, minh bạch, kê khai tài sản còn hình thức, chưa cụ thể; thiếu cơ chế cụ thể để kiểm tra thông tin kê khai. Các quy định về giám định tư pháp và hoạt động giám định tư pháp ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngân hàng, đất đai, tài chính... chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.  
Cũng tại Hội nghị này ngành kiểm sát đã kiến nghị 8 vấn đề để thực hiện tốt hơn nữa Luật phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Cũng tại Hội nghị đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Theo đó, qua 5 năm thực hiện toàn Ngành thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết 440.431 tố giác, tin báo về tội phạm. Cơ quan điều tra đã kiểm tra xác minh, giải quyết 387.804 tố giác, tin báo về tội phạm đạt 80,5%; đã kiểm sát trực tiếp tại 3.078 Cơ quan điều tra; ban hành 3.337 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, thiếu sót. Nhìn chung, công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây