Cần có hướng dẫn về xử lý tranh chấp mồ mả hiện nay

Chủ nhật - 21/03/2021 23:17

Việc tranh chấp về mồ mả hiện nay chưa có quy định cụ thể. Tại bộ luật dân sự chưa quy định về nội dung này; tập quán pháp, án lệ, tương tự pháp luật cũng không có quy định cụ thể, do vậy quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến tranh chấp mồ mả hiện nay còn nhiều bất cập và khó khăn.

Tại Bộ luật dân sự năm 2015 chỉ quy định về tranh chấp bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, cụ thể tại Điều 607 quy định:

          1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.

          2. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

          3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

          Gần đây Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP ngày 05/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ, tuy nhiên tại Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về xác định thành viên dòng họ; quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ; đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ; địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhập vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.

Thực tế quá trình giải quyết tranh chấp dân sự liên quan đến tranh chấp về mồ mả tại Tòa án nhân dân huyện Nam Sách còn có vụ án “Kiện đòi mồ mả” do Tòa án nhân nhân dân huyện Nam Sách thụ lý giải quyết giữa: Nguyên đơn: Ông Vũ Đình Sâm và ông Vũ Đăng Thục; Bị đơn: Ông Vũ Đình Thính, ông Vũ Đình Kỷ, ông Vũ Đình Mão, ông Vũ Đình Ngà. Quá trình giải quyết nhận thấy mồ mả của gia tộc, vì vậy gia tộc nên cần cử đại diện thay gia tộc đứng ra khởi kiện, người khởi kiện cần đưa được tài liệu chứng cứ chứng minh ngôi mộ là của gia tộc mình Đối tượng khởi kiện không rõ ràng, không có thật khi nguyên đơn yêu cầu chuyển mộ về vị trí cũ năm 1960 tại đống Tống Con. Đống Tống Con đã di dời mộ của dân thành ruộng vào năm 2000.

 

Trong quá trình kiểm sát vụ án này, Viện kiểm sát thấy trong hồ sơ không có văn bản thống nhất cử ông Sâm, ông Thục đại diện thay gia tộc đứng đơn khởi kiện, nguyên đơn cũng không đưa được tài liệu, chứng cứ ngôi mộ đó là của gia tộc của mình để làm điều kiện và căn cứ khởi kiện nhưng Tòa án đã tiến hành thụ lý vụ án là chưa đủ điều kiện thụ lý, trong trường hợp này Tòa án đã thụ lý cần đình chỉ trả lại đơn khởi kiện theo Điều 217 BLTTDS. Nhưng Tòa lại tiếp tục giải quyết vụ án và ra Bản án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thu thập tài liệu chứng cứ thiếu làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Sách đã phát hành kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án trên theo hướng hủy bản án sơ thẩm trên.

            Như vậy thực tế đã xảy ra những vụ tranh chấp về mồ mả của dòng họ tuy nhiên hiện nay còn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, theo quan điểm của tác giả nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay trong thời gian tới cần phải có những quy định, hướng dẫn phù hợp, cụ thể về vấn đề này./.

                                                                                     Phạm Thị Huệ
VKSND huyện Nam Sách

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây