- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Nội dung vụ án: Anh Đ V M, địa chỉ: huyện T, tỉnh H đã có vợ là chị B và có đăng ký kết hôn hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật, do vợ đi lao động ở nước ngoài. Nên vào năm 2014 anh M đã chung sống như vợ chồng với chị L T D, địa chỉ: huyện B, tỉnh HP và hai bên gia đình tổ chức cưới hỏi theo phong tục địa phương (chị D đã ly hôn với chồng trước theo đúng quy định của pháp luật). Chị D và anh M không được đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, vì anh M và chị B chưa ly hôn. Quá trình chung sống chị D và anh M có 01 con chung là cháu K, sinh năm 2014. Đến năm 2019 do phát sinh mâu thuẫn, nên anh M chuyển về nhà của mình ở huyện T, tỉnh H sinh sống.
Chị D đã có đơn khởi kiện gửi TAND huyện T, tỉnh H yêu cầu Tòa án không công nhận chị D và anh M là vợ chồng và giải quyết việc nuôi con chung.
Hiện nay có quan điểm khác nhau về việc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cũng như về quan hệ tranh chấp giải quyết vụ án trên.
- Quan điểm thứ nhất: Việc Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh H thụ lý giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình về yêu cầu không công nhận là vợ chồng và giải quyết nuôi con chung là không đúng thẩm quyền và không đúng quan hệ tranh chấp. Vì quan hệ hôn nhân giữa anh M và chị D là quan hệ hôn nhân trái pháp luật, vi phạm nguyên tắc chế độ một vợ một chồng theo khoản 1 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, do anh M đã có vợ được đăng ký kết hôn hợp pháp, lại chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác, nên đương nhiên không phải là vợ chồng. Hành vi vi phạm của anh M thuộc thẩm quyền xử lý của UBND. Nên trong vụ án này Tòa án không thụ lý về yêu cầu tuyên bố không công nhận là vợ chồng vì vi phạm nghiêm trọng về thẩm quyền giải quyết mà phải hướng dẫn chị D chỉ khởi kiện về quan hệ con chung.
- Quan điểm thứ hai: Việc Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh H thụ lý giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình về yêu cầu không công nhận là vợ chồng và giải quyết nuôi con chung là đúng thẩm quyền, theo quy định tại khoản 7 điều 28 BLTTDS.
Vì, thứ nhất: Về mặt lý luận việc Tòa án tuyên không công nhận là vợ chồng không phải là tuyên để giải quyết quan hệ giữa chị D và anh M, mà là để xác định vai trò pháp lý trong quan hệ hôn nhân giữa chị D, anh M với cơ quan nhà nước. Thứ hai, mặc dù anh M đang có vợ hợp pháp, nhưng chị D chưa có kết hôn hợp pháp với người khác, đồng thời chị D là người yêu cầu, nên Tòa án phải thụ lý và tuyên không công nhận chị D và anh M là vợ chồng, thì mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chị D sau này, khi chị D muốn kết hôn với người khác, thì mới đi đăng ký kết hôn được. Thứ ba, do anh M và chị D đều xác định cháu K là con chung (có giấy khai sinh) và cả hai đều có tranh chấp về nuôi con chung, do vậy Tòa án phải thụ lý giải quyết và tuyên không công nhận là vợ chồng, thì mới xem xét giải quyết được vấn đề nuôi con chung, giao cho ai chăm sóc và vấn đề cấp dưỡng nuôi con.
Về quan điểm của tác giả thấy rằng việc Tòa án nhân dân huyện T thụ lý giải quyết là phù hợp (quan điểm thứ hai), vì việc Tòa án thụ lý giải quyết và tuyên không công nhận chị D và anh M là vợ chồng là đảm bảo đúng quy định của BLTTDS và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự.
Do hiện nay chưa có văn bản nào của cấp có thẩm quyền hướng dẫn đối với những loại vụ việc như nêu trên. Nên đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn giải quyết kịp thời./.
Vũ Hoàng Ninh VKSND huyện Tứ Kỳ |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.