Bàn về vụ án dân sự và vụ án kinh doanh thương mại có giải quyết chung trong cùng vụ án không?

Thứ sáu - 28/05/2021 00:05

Lý luận và thực tiễn về việc nhập, tách vụ án đã cho thấy việc nhập, tách vụ án không đúng có thể gây kéo dài thời gian giải quyết các yêu cầu của đương sự, không bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của họ hoặc không đảm bảo được sự công bằng trong việc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trên thực tế. Do vậy, việc nhập, tách vụ án cũng như việc xây dựng các quy định về nhập, tách vụ án phải nhằm giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và đảm bảo được sự công bằng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Ví dụ sau đây là một minh chứng:

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã ký 02 hợp đồng tín dụng với chị Nguyễn Thị Th. Cụ thể: hợp đồng cho vay hạn mức ngắn hạn số 299/2019 ngày 12/12/2019 chị Th có vay 1.000.000.000 đồng, mục đích để trả tiền mua vải các loại để phục vụ cho công ty may mặc, có đăng ký kinh doanh, thời hạn vay 06 tháng, lãi suất trong hạn 8.5%/ năm.  Hợp đồng cho vay số 300/2019 ngày 12/12/2019 có vay 800.000.000 đồng, với mục đích thanh toán phần vốn khách hàng đã ứng vốn tự có để thanh toán chi phí nhận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất tại các thửa đất số 391+392, tờ bản đồ số 35 tại xã HT để phục vụ đời sống, thời hạn vay là 60 tháng, lãi suất 11,5%/ năm.

Để bảo đảm khoản nợ trên Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam  và chị Th đã ký kết hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 192 ngày 12/12/2019 và số 193 ngày 12/12/2019 là 02 mảnh đất đều có diện tích 104m2 thuộc thửa đất số 391, 392, tờ bản đồ số 35 tại xã HT theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CR 462692, CR 462691 do UBND huyện NG cấp ngày 08/11/2019 mang tên bà Nguyễn Thị Th. Trong quá trình thực hiện Hợp đồng tín dụng nói trên, bên vay vốn đã vi phạm nghĩa vụ hoàn trả nợ gốc và thanh toán tiền lãi cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Sau thời điểm khoản vay bị quá hạn, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã nhiều lần đôn đốc nhưng không có kết quả. Do tranh chấp phát sinh giữa Ngân hàng với bên vay vốn không thể giải quyết trên cơ sở thỏa thuận, vì vậy Ngân hàng đã nộp đơn khởi kiện để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Với vụ án nêu trên, trong thực tế còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc giải quyết vụ án. Mặt khác, liên ngành Trung ương chưa có văn bản nào hướng dẫn về nghiệp vụ giải quyết thành một vụ án hay hai vụ án.

Quan điểm thứ nhất: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã ký 02 hợp đồng tín dụng với chị Nguyễn Thị Th. Hợp đồng thứ nhất số 299 ngày 12/12/2019  vay 1.000.000.000 đồng, để trả tiền mua vải các loại để phục vụ cho công ty may mặc có đăng ký kinh doanh, mục đích là lợi nhuận. Hợp đồng thứ hai số 300 ngày 12/12/2019 vay 800.000.000 đồng, với mục đích thanh toán chi phí nhận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất tại các thửa đất số 391+392. Như vậy 02 hợp đồng nêu trên có nội dung khác nhau, mục đích vay tiền khác nhau thì Tòa án phải giải quyết thành 02 vụ án khác nhau chứ không nhập vào để giải quyết chung. Bởi vì, Hợp đồng thứ nhất vay tiền để kinh doanh do Luật kinh doanh thương mại điều chỉnh; Hợp đồng thứ hai do Bộ luật dân sự điều chỉnh.

Quan điểm thứ hai: Nội dung của 02 Hợp đồng tín dụng nêu trên có khác về nội dung mục đích sử dụng tiền vay: Hợp đồng cho vay hạn mức ngắn hạn số 299 ngày 12/12/2019 vay để mục đích kinh doanh. Hợp đồng cho vay số 300 ngày 12/12/2019 mục đích thanh toán chi phí nhận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất. Tuy 02 hợp đồng nêu trên có nội dung khác nhau, mục đích vay tiền khác nhau nhưng có chung chủ thể tham gia ký kết hợp đồng, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nên Tòa án cần nhập vào giải quyết chung thành một vụ án dân sự.

Theo quan điểm của chúng tôi thì nhất trí với quan điểm thứ hai. Bởi vì, xét về hình thức, nội dung của 02 hợp đồng không vi phạm điều cấm, không trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội nên giao dịch của 02 Hợp đồng này là hợp pháp, các bên phải có nghĩa vụ thực hiện nội dung của hợp đồng. Mặc dù, mục đích vay tiền của 02 hợp đồng khác nhau do Luật kinh doanh thương mại và Bộ Luật dân sự điều chỉnh nhưng chủ thể ký hợp đồng đều giống nhau, tài sản thế chấp cho các khoản vay đều là quyền sử dụng đất nên để giải quyết vụ án này một cách triệt để, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên đương sự; không tốn công sức và lãng phí thời gian của các Cơ quan tố tụng thì cần áp dụng Bộ luật dân sự để giải quyết 02 hợp đồng tín dụng nêu trên trong cùng một vụ án là phù hợp.

Đây là vướng mắc mà trong thực tiễn kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự mà chúng tôi đã gặp phải. Đề nghị liên ngành Trung ương cần có văn bản hướng dẫn, theo hướng: “Đối với những vụ án dân sự vừa có Luật kinh doanh thương mại và Bộ Luật dân sự điều chỉnh thì thống nhất áp dụng Bộ luật dân sự để giải quyết chung trong cùng vụ án”.

Trên đây là một số nội dung trao đổi về nghiệp vụ, Tác giả mong được sự quan tâm cũng như ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp.

                                                                           Nguyễn Quang Đại
VKSND huyện Ninh Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây