Việc áp dụng thời hạn tạm giam để điều tra theo quy định của Bộ luật TTHS trong một số trường hợp cụ thể thế nào?

Thứ sáu - 19/03/2021 03:46

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 173 Bộ luật TTHS thì: “ 1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”; thời hạn tạm giam quy định tại Điều 173 tương ứng với mức thời hạn điều tra vụ án quy định tại Khoản 1, Điều 172 Bộ luật TTHS.

Việc vận dụng quy định về thời hạn tạm giam trong trường hợp CQĐT ra Quyết định KTBC và ra lệnh tạm giam trùng với ngày khởi tố vụ án hình sự thì việc áp dụng thời hạn tạm giam để điều tra theo quy định tại Khoản 1, Điều 173 Bộ luật TTHS là đơn giản và không có gì phải tranh luận; tuy nhiên, trong thực tiễn, việc áp dụng thời hạn tạm giam để điều tra vẫn còn có một số vướng mắc, chưa thống nhất giữa CQĐT và VKSND trong một số trường hợp cụ thể; tôi xin nêu một số ví dụ như sau:

- Thứ nhất: ngày CQĐT ra Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam sau ngày khởi tố vụ án hình sự một khoảng thời gian nhất định, có trường hợp đã gần hết thời hạn điều tra (chưa hết thời hạn điều tra); trường hợp này ở một số tình huống: người thực hiện hành vi phạm tội đã bị khởi tố bị can nhưng do bỏ trốn, chưa bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nào, quá trình điều tra mới bắt được bị can theo lệnh truy nã và phải ra lệnh tạm giam để điều tra; hoặc thuộc trường hợp chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can, điều tra vụ án được một khoảng thời gian nhất định thì mới đủ căn cứ để khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam.

- Thứ hai: Người phạm tội đã bị khởi tố bị can và bị áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn (không phải là bị tạm giam) được khoảng tời gian nhất định nhưng do bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan trong một số trường hợp: Bị can được áp dụng biện pháp Bảo lĩnh (Điểm c, Khoản 3, Điều 121 BLTTHS); Đặt tiền để bảo đảm (điểm c, Khoản 2, Điều 122 BLTTHS); Cấm đi khỏi nơi cư trú (Điểm c, Khoản 2, Điều 123 BLTTHS) nên phải chuyển sang biện pháp tạm giam.

Trong hai trường hợp trên thì việc áp dụng thời hạn tạm giam như thế nào, có được áp dụng đầy đủ về thời hạn như quy định tại Khoản 1, Điều 173 Bộ luật TTHS hay chỉ áp dụng bằng thời gian còn lại của thời hạn điều tra vụ án? Việc này có 2 quan điểm khác nhau:

- Quan điểm thứ nhất: cả 2 trường hợp nêu trên đều áp dụng Khoản 1, Điều 173 Bộ luật TTHS để tính thời hạn tạm giam, tức là: bất kỳ lúc nào mà trong thời hạn điều tra vụ án, nếu phải áp dụng biện pháp tạm giam bị can để điều tra thì đều tính thời hạn theo loại tội phạm đã được khởi tố đối với bị can đó (kể cả đến khi gần kết thúc điều tra); nếu khi hết hạn điều tra mà vụ án được kết thúc điều tra đề nghị truy tố thì thời hạn tạm giam còn lại sử dụng trong giai đoạn truy tố (theo quy định tại Điều 18 Thông tư liên ngành số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP về sử dụng lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra và quyết định gia hạn thời hạn tạm giam của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố). Nếu vụ án phải gia hạn thời hạn điều tra thì thời hạn tạm giam vẫn còn và không phải làm thủ tục gia hạn thời hạn tạm giam nữa.

- Quan điểm thứ hai: chỉ được tính thời hạn tạm giam để điều tra đến khi kết thúc thời hạn điều tra vụ án, tức là chỉ tạm giam thời gian bằng thời hạn điều tra  còn lại. Tôi cho rằng, việc tính thời hạn tạm giam để điều tra đối với 2 trường hợp nêu trên theo quan điểm thứ hai là phù hợp, tức là:

+ Thời hạn tạm giam để điều tra phải nằm trong khoảng thời hạn điều tra vụ án mới đảm bảo tính hợp pháp của thời hạn tạm giam, bởi vì thời hạn của 2 loại này phải song song với nhau, nếu thời hạn điều tra vụ án không còn thì thời hạn tạm giam “thừa ra” so với ngày cuối cùng của thời hạn điều tra (do việc ra lệnh tạm giam chậm như 2 trường hợp nêu trên) là không đảm bảo tính hợp pháp. Với lập luận như quan điểm thứ nhất nêu trên thì sẽ là không đảm bảo quy định, vì: tạm giam để điều tra là biện pháp ngăn chặn cần thiết đối với từng loại tội và đối tượng cụ thể để hoàn thành cuộc điều tra, xử lý vụ án, không thể tùy tiện mà tạm giam cho cả giai đoạn sau, vì các giai đọan giải quyết vụ án đều có quy định về thời hạn tạm giam cụ thể; việc sử dụng thời gian tạm giam còn lại chỉ khi cuộc điều tra được hoàn thành sớm trước thời hạn điều tra ban đầu hoặc thời hạn gia hạn điều tra.

+ Trong một số trường hợp cụ thể thì trước đó bị can đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác rồi (Bảo lĩnh, đặt tiền hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú) nên nếu có vi phạm mà phải chuyển sang biện pháp tạm giam thì cũng không thể áp dụng thời hạn tạm giam đầy đủ như quy định tại Khoản 1, Điều 173 được, vì trong thời hạn điều tra, bị can chỉ bị áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn, không thể bị áp dụng 2 biện pháp ngăn chặn).

+  Mặt khác, tại khoản 3, Điều 14, Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP quy định: Trường hợp đang điều tra vụ án mà quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về một tội phạm khác, thì thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam được tính theo tội nặng nhất. Tổng thời hạn điều tra không vượt quá thời hạn quy định tại Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự; tổng thời hạn tạm giam theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng không vượt quá thời hạn điều tra.

Với những lý do nêu trên và căn cứ khoản 3, Điều 14, Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP thì việc áp dụng biện pháp tạm giam dù ở thời điểm nào cũng không được vượt quá thời hạn điều tra vụ án, tức là ngày cuối cùng của thời hạn đối với từng vụ án cụ thể.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi để các đồng nghiệp tham khảo./.

                                                                                 Vũ Quang Vinh
Thanh tra- Khiếu tố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây