Công tác Kiểm sát thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2014
Thứ năm - 16/07/2015 21:56
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự ( Luật sửa đổi) được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25-11-2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2015. Luật sửa đổi, bổ sung 47 Điều; bãi bỏ Điều 32, 33, 34, 51, 138. 139, điểm b Khoản 1 Điều 163, các khoản 3 và 4 Điều 179 của Luật thi hành án dân sự năm 2008.
Về hoạt động Kiểm sát, Luật sửa đổi quy định tại Điều 7b Viện kiểm sát các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của Toà án, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật.”
Theo đó Luật sửa đổi đã mở rộng đối tượng kiểm sát ngoài quyết định, hành vi của Chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì còn kiểm sát cả quyết định, hành vi của Tòa án trong thi hành án dân sự, như: cấp, chuyển giao bản án, quyết định v.v. Đồng thời kiểm sát cả các tổ chức, cá nhân liên quan.
Luật sửa đổi Quy định rõ hơn cách thức áp dụng kiểm sát, gồm: Yêu cầu, kiến nghị và kháng nghị. Trong 03 hình thức kiểm sát, riêng đối với kháng nghị thì cơ quan thi hành án dân sự phải trả lời và thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Cụ thể là:Thời gian trả lời kháng nghị là 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị. Thời gian thực hiện kháng nghị là hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có văn bản trả lời kháng nghị (nếu chấp nhận kháng nghị)
Luật có nhiều quy định mới về đối tượng kiểm sát, cách thức kiểm sát; về quyền và trách nhiệm của người được thi hành án, người phải thi hành án; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến thi hành án dân sự; như:
Nếu như Luật thi hành án dân sự năm 2005 quy định: người được thi hành án phải có nghĩa vụ phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu không có tài liệu chứng minh điều kiện thi hành án, Cơ quan thi hành án dân sự có thể được trả lại đơn yêu cầu thi hành án. Thì nay Luật sửa đổi quy định vệc xác minh điều kiện thi hành án thuộc về trách nhiệm của Chấp hành viên, chi phí xác minh do Ngân sách Nhà nước chịu. Trường hợp kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát thì phải xác minh lại. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát. Quy định này giải quyết được bất cập gặp phải trong thời gian qua, tạo điều kiện đảm bảo quyền của người được thi hành án theo Luật định.
Luật sửa đổi cũng đã bổ sung thêm biện pháp bảo đảm thi hành án là Biện pháp phong toả tài sản ở nơi gửi giữ; theo đó cá nhân” đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án” phải thực hiện quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm (Điều 67).Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong toả tài khoản, tài sản. Biên bản, quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản trong trường hợp này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp… trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong toả tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật này. Quy định này nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người được thi hành án, hạn chế tình trạng tẩu tán tài sản, nâng cao trách nhiệm của tổ chức đang nắm giữ tài sản của người phải thi hành án.
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự, theo chúng tôi ngoài việc chủ động tổ chức nghiên cứu, học tập Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, rất cần có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Trước mắt, cần nghiên cứu sửa đổi hệ thống biểu mẫu Kiểm sát thi hành án dân sự; rà soát việc đang được tổ chức thi hành án, nhất là những vụ việc thi hành theo đơn yêu cầu; vụ việc có tài sản có thể áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, việc hoãn thi hành án, miễn giảm thi hành án… kịp thời áp dụng quyền Yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị. Bên cạnh đó việc tham mưu cho cấp uỷ, tư vấn cho chính quyền địa phưong, thông qua kiến nghị với Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện trong tuyên truyền phổ biến pháp luật thi hành án dân sự, tăng cường trách nhiệm của các ban ngành, cơ quan tổ chức địa phương trong việc thực hiện Luật thi hành án dân sự là việc làm cần thiết./.