Vướng mắc trong việc xác định tỷ lệ thương tật trong trường hợp người bị hại bị gây thương tích bởi nhiều người nhưng họ không phải là đồng phạm trong một vụ á

Thứ năm - 27/08/2015 23:45
Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, tỷ lệ thương tật là một trong những căn cứ quan trọng trong việc định tội hoặc định khung hình phạt của một số   tội phạm xâm phạm sức khỏe con người như: cố ý gây thương tích, hiếp dâm… Trong thời gian vừa qua, công tác giám định pháp y nói chung và giám định xác định tỷ lệ thương tật nói riêng đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, qua thực tiễn kiểm sát điều tra một số vụ án cố ý gây thương tích, chúng tôi nhận thấy một vấn đề vướng mắc trong việc xác định tỷ lệ thương tật làm căn cứ để cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong trường hợp người bị hại bị gây thương tích bởi nhiều người nhưng họ không phải là đồng phạm trong một vụ án. Cụ thể tác giả xin đưa ra một tình huống thực tế như sau:
Khoảng 13 giờ ngày 18/4/2015, tại địa điểm thứ nhất, anh Nguyễn Văn A bị một số đối tượng chưa xác định được nhân thân, lý lịch dùng cốc thủy tinh đánh vào đầu gây thương tích. Quá trình xô xát, anh A chạy ra xe ô tô và điều khiển xe bỏ chạy. Quá trình bỏ chạy, xe ô tô của anh A va chạm với Mạc Văn B đang đứng ở cổng ra vào làm B ngã ra đường và bị xây xát. B cùng Đặng Văn C, Nguyễn Đức D đuổi theo anh A đến địa điểm thứ hai và dùng dao, vỏ chai bia gây thương tích ở tay, chẩm, cổ, lưng, ngực cho anh A.
- Tại bản Kết luận giám định pháp y của phòng giám định pháp y bệnh viện đa khoa tỉnh H kết luận:
+ 03 vết thương vùng trán thái dương phải, 02 vết thương vùng đỉnh đầu, 02 vết thương vùng đỉnh thái dương trái do vật tày có cạnh sắc gây ra (dạng chai, cốc thủy tinh khi đánh vỡ gây ra là phù hợp) (Ký hiệu: VT1). Được xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể là 07%.
+ Vết thương mặt sau 1/3 dưới cẳng tay trái gây gãy hở xương trụ trái, có đặc điểm do vật sắc gây ra (Ký hiệu: VT2). Được xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể 8%.
+ 04 vết thương vùng chẩm, cổ phải, lưng, ngực phải, có đặc điểm do vật sắc gây ra (Ký hiệu: VT3). Được xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể: 3%.
Tỷ lệ tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 17%. (Theo phương pháp cộng lùi quy định tại Điều 4 Thông tư 20/2014/TT-BYT về Phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể).
Quá trình điều tra xác định, VT1 là vết thương do các đối tượng chưa xác định được nhân thân, lý lịch gây thương tích cho anh A tại địa điểm thứ nhất. VT2 VT3 là các vết thương do B, C và D gây thương tích cho anh A tại địa điểm thứ hai. Hành vi của B, C và D độc lập với hành vi của nhóm đối tượng gây thương tích cho anh A ở địa điểm thứ nhất. Trong vụ án này, có hai quan điểm về việc xác định tỷ lệ thương tật làm căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự của B, C và D.
+ Quan điểm thứ nhất: áp dụng phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể quy định tại thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ y tế (gọi tắt là Thông tư 20/2014/TT-BYT) để cộng các VT2 VT3, tỷ lệ thương tật của anh A do bị gây thương tích tại địa điểm thứ hai là: 8+ (100-8) x 3/100= 8+ 2,76=10,76% và được làm tròn là: 11%.
+ Quan điểm thứ hai: do trước khi bị B, C và D gây thương tích tại địa điểm thứ hai, anh A đã bị một số đối tượng khác gây thương tích (VT1) tại địa điểm thứ nhất, do đó phải trừ đi tỷ lệ thương tật của VT1 trước khi xác định tỷ lệ thương tật làm căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự của B, C và D.
- Tỷ lệ thương tật của vết thương thứ nhất là: T1= 7%.
- Tỷ lệ thương tật của vết thương thứ 2: T2= (100-7) x 8/100= 7,44%
- Tỷ lệ thương tật của vết thương thứ 3: T3= (100-7-7,44) x 3/100 = 2,57% (kết quả lấy đến hai chữ số thập phân).
Từ đó xác định tỷ lệ thương tật của anh B do bị gây thương tích tại địa điểm thứ hai là:
T = T2+ T3 = 7,44+ 2,57 = 10,01 % được làm tròn = 10%.
Nếu xác định tỷ lệ thương tật theo quan điểm thứ nhất, hành vi của B, C và D cấu thành tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 khoản 2 của BLHS.
Nếu xác định tỷ lệ thương tật theo quan điểm thứ hai, hành vi của B, C và D cấu thành tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 khoản 1 của BLHS, và thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
Do Thông tư số 20/2014/TT-BYT và các văn bản pháp luật có liên quan chưa có hướng dẫn về việc trong trường hợp người bị hại bị gây thương tích ở hai địa điểm khác nhau, do các đối tượng khác nhau gây ra thì có trừ hay không trừ tỷ lệ thương tật tại địa điểm thứ nhất trước khi áp dụng phương pháp cộng lùi để tính tổng tỷ lệ các vết thương tại địa điểm thứ hai. Vì vậy, nếu áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị can thì áp dụng theo cách tính theo quan điểm thứ hai như đã nêu trên.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tác giả, việc xác định tỷ lệ thương tật làm căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự của B, C và D phải được tính theo cách tính của quan điểm thứ nhất. Bởi lẽ, việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự đối với B, C và D có nghĩa là B, C và D chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả mà mình gây ra, tức là chịu trách nhiệm hình sự về tỷ lệ tổn thương cơ thể của các vết thương gây ra cho anh A tại địa điểm thứ hai. Về bản chất, hành vi của B, C, D độc lập với hành vi của nhóm đối tượng gây thương tích cho anh A ở địa điểm thứ nhất. Tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của B, C và D cũng như hậu quả của hành vi gây ra không bị ảnh hưởng bởi việc anh A đã bị các đối tượng khác gây thương tích trước đó hay không. Vì vậy việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể làm căn cứ xác định trách nhiệm của B, C và D theo quan điểm thứ hai là không phù hợp.
Như vậy, thực tiễn áp dụng các quy định tại Thông tư số 20/2014/TT-BYT là vấn đề còn nhiều nhận thức khác nhau.
Thiết nghĩ, một trong những căn cứ quan trọng để xác định trách nhiệm hình sự của bị can trong một vụ án cần phải được xác định chính xác và thống nhất. Qua đây, tác giả kiến nghị các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn kịp thời để việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể trong những trường hợp tương tự được tiến hành thuận lợi, chính xác.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây